Các chương trình tiêm chủng thường kỳ không chỉ giúp ngăn ngừa những loại bệnh có thể đề phòng bằng vắc xin, mà còn đóng vai trò tuyến phòng thủ đầu tiên trước các mầm bệnh mới.

Trong bài viết trên tạp chí Project Syndicate, tác giả Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh Vắc xin (Gavi), lý giải đó là bởi vì các chương trình tiêm chủng vừa giúp đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu, vừa cải thiện nỗ lực giám sát dịch bệnh. Tình hình dịch Covid-19 là một bằng chứng rõ ràng. Hơn 6 tháng sau khi các loại vắc xin Covid-19 đầu tiên ra đời, ai cũng có thể thấy rằng nếu muốn ngăn chặn đại dịch, điều quan trọng phụ thuộc vào các chiến dịch tiêm chủng.

Bất kỳ một sự chậm trễ nào trong tiếp cận vắc xin cũng sẽ khiến khủng hoảng kéo dài, khoét sâu thêm vô số vết thương mà nó đã gây ra cho cuộc sống, sinh kế của con người và các nền kinh tế. Ở nhiều quốc gia, những người có nguy cơ cao vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ. Thực tế này cho thấy, việc mở rộng quy mô sản xuất và tiêm chủng cho hàng tỷ người không hề đơn giản, và cuộc chiến chống lại căn bệnh truyền nhiễm mà hàng triệu người đang đối mặt mỗi ngày sẽ còn kéo dài.

Lằn ranh ngăn chặn các loại mầm bệnh lan sâu vào các cộng đồng thường rất mong manh. Một khi lằn ranh này bị chọc thủng, một căn bệnh nhỏ mang tính cục bộ sẽ dễ dàng bùng nổ và lan rộng thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu với tốc độ nhanh chóng mặt.

Giá trị đặc biệt của tiêm chủng
Ảnh

Mở rộng miễn dịch, phòng bệnh tương lai

Trước khi Covid-19 xuất hiện, các nhà hoạch định chính sách đã theo dõi các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu qua lăng kính dài hạn của chủ nghĩa nhân đạo và sự phát triển quốc tế, để đưa ra sự hỗ trợ tương ứng. Nhưng khi đại dịch nổ ra, chúng ta không những phải xử lý cuộc khủng hoảng hiện tại mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng cho các đại dịch tiếp theo. Rõ ràng, cách tiếp cận như vậy không còn phù hợp, y tế toàn cầu và an ninh y tế toàn cầu phải là ưu tiên của tất cả các quốc gia.

Thực tế và kinh nghiệm của các chương trình tiêm chủng mở rộng trên thế giới trong nhiều thập niên qua đã chứng minh tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa, hạ thấp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì các mầm bệnh.

Các số liệu chính thức cho thấy mức giảm tới 70% các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin và ngăn ngừa 80 triệu ca tử vong ở 98 quốc gia có thu nhập thấp hơn, trong khoảng thời gian từ năm 2000 cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Bề ngoài, các chương trình tiêm chủng định kỳ chỉ có một mục tiêu đơn giản là ngăn chặn sự bùng phát của những căn bệnh đã từng hoành hành trên thế giới nhưng giờ chỉ còn hoành hành ở những nước nghèo. Nhưng trên thực tế, giá trị của tiêm chủng còn vượt xa hơn thế.

Mỗi năm, hàng chục triệu em nhỏ ở các nước có thu nhập thấp được tiêm vắc-xin phòng một loạt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, với ước tính khoảng 2,5 triệu trẻ đã được cứu sống nhờ các chương trình tiêm chủng.

Sức khỏe của mỗi cá nhân sau tiêm chủng cũng được cải thiện, không phải chịu các di chứng hoặc dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra. Sự phát triển thể chất và trí não bình thường giúp giảm nhẹ chi phí chăm sóc y tế, bớt đi gánh nặng và công sức của gia đình trong quá trình nuôi dưỡng con cái. Điều này có ý nghĩa to lớn trong phát triển nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo bền vững.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, các chương trình tiêm chủng mở rộng đóng một vai trò mang tính trung tâm trong nỗ lực triển khai vắc xin trên toàn cầu. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, quá trình phân phối vắc xin Covid-19 được thực hiện dựa trên cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, lực lượng nhân sự, các hệ thống dữ liệu và tiến trình giám sát sẵn có được sử dụng trong các chương trình thường kỳ đó.

Cộng đồng quốc tế cũng hiểu rõ vai trò sống còn của vắc xin và các chương trình tiêm chủng trong thời kỳ đại dịch. Vai trò này càng nổi bật thông qua sự hỗ trợ quốc tế chưa từng có đối với Sáng kiến Tiếp cận Toàn cầu Vắc xin Covid-19 (COVAX) do WHO (Tổ chức Y tế thế giới) Gavi và CEPI (Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh) đồng sáng lập.

Tuy nhiên, các mạng lưới giám sát toàn cầu về các bệnh truyền nhiễm hiện nay có thể còn nhiều lỗ hổng. Cách khắc phục hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất là cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là điểm tiếp xúc đầu tiên của con người với các dịch vụ y tế và sức khỏe mỗi khi họ bị ốm. Vì vậy, càng có nhiều người được tiếp cận với dịch vụ này, khả năng phát hiện sớm các ổ dịch càng hiệu quả hơn.

Giá trị đặc biệt của tiêm chủng
Số người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở các nước tính đến 21/9/2021.
Màu xanh đậm: Đã tiêm đủ liều. Màu xanh nhạt: Đã tiêm 1 mũi. 

Vũ khí chủ lực chống Covid-19

Trong những tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, 85% các quốc gia có thu nhập thấp đã bị gián đoạn các chương trình tiêm chủng thông thường. Mỗi ngày, thêm nhiều người bỏ lỡ tiêm chủng, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh có thể phòng ngừa được lại tăng lên. Với sự hỗ trợ từ Gavi và các đối tác khác của liên minh, nhiều chương trình tiêm chủng đang phục hồi tốt.

Hiện nay, nhiệm vụ cấp bách nhất là chấm dứt đại dịch Covid-19 và vũ khí chủ lực trong cuộc chiến này là tiêm chủng.

Để thành công, các nước phải đảm bảo càng nhiều người được tiêm vắc xin càng tốt, tận dụng tốt nhất những gì có sẵn và ưu tiên các nhóm nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, mỗi quốc gia cần tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 80-85% dân số để có được miễn dịch cộng đồng.

Theo BBC, gần 3 tỷ liều vắc xin ngừa virus corona đã được tiêm ở hơn 190 quốc gia trên toàn cầu. Hiện, Trung Quốc và Mỹ là hai nước tiêm chủng cho nhiều người nhất, lần lượt là hơn 1,1 tỷ người và 322 triệu người. Ấn Độ đứng thứ 3 với 314 triệu người được tiêm.

Trong những tuần gần đây, các chiến dịch tiêm chủng diễn ra ngày càng nhanh hơn. Nếu như phải mất 20 tuần, kể từ 12/2020, thế giới mới tiêm được 1 tỷ liều vắc xin, các mốc 2 tỷ và 3 tỷ liều đã đạt được lần lượt sau 6 tuần và 4 tuần.

Tuy vậy, trong bức tranh tổng thể, mức độ bất bình đẳng trong tiêm chủng thể hiện rõ dù đa số các nước nghèo cũng đã bắt đầu tiêm chủng, chủ yếu nhờ vào cơ chế COVAX. Trong khi tỷ lệ tiêm trung bình ở các nước thu nhập cao là 79 liều/100 dân, con số này ở các quốc gia thu nhập thấp là 1 liều/100 dân. Nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ đã đạt được tiến triển trong chiến dịch tiêm chủng, song nhiều quốc gia nghèo vẫn đang gặp vấn đề về nguồn cung và phải chờ đợi vắc xin từ COVAX.

Với mục tiêu phân phối khoảng 2 tỷ liều vắc xin cho các nước vào cuối năm nay, COVAX đang tích cực làm việc với các chính phủ và nhà sản xuất tài trợ để tìm ra cách thức cung cấp số lượng vắc xin dư thừa cho các quốc gia có thu nhập thấp, đồng thời tìm hiểu làm thế nào triển khai tốt nhất các loại vắc xin hiện có, cũng như các vắc xin mới vẫn đang trong quá trình phát triển.

Tiếp cận đủ số người tiêm chủng để ngăn chặn Covid-19 lây lan có thể giúp mở rộng phạm vi phòng ngừa, từ đó nâng cao được khả năng phục hồi và cải thiện mức độ sẵn sàng trước các đại dịch trong tương lai.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 Thế Giớitiêm chủngvaccine Covid-19virus Corona

Các tin liên quan đến bài viết