Ngày 17-9, Pháp cho biết đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Úc để tham vấn sau khi Mỹ, Anh và Úc bắt tay đóng tàu ngầm hạt nhân, khiến thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD do Pháp thiết kế tan thành mây khói.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có quyết định hiếm hoi này do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, theo Hãng tin Reuters.
Ngày 16-9, ông Le Drian giận dữ lên án Tổng thống Mỹ Joe Biden “đâm sau lưng”, sau khi Paris bị gạt ra khỏi một trong những thỏa thuận quốc phòng béo bở nhất thế giới mà nước này đã ký với Úc về đóng tàu ngầm.
Ông Le Drian nói thỏa thuận giữa Úc với Mỹ và Anh là “hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh”.
Trước đó, sau khi thông báo thiết lập quan hệ đối tác an ninh 3 bên Anh, Mỹ, Úc gọi là AUKUS, Úc tuyên bố hủy thỏa thuận đóng một hạm đội tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD với Tập đoàn đóng tàu Hải quân của Pháp.
Thay vào đó, Úc sẽ đóng 8 tàu ngầm hạt nhân bằng công nghệ của Mỹ và Anh.
Sau phản ứng quyết liệt của Pháp, Nhà Trắng cho biết Mỹ lấy làm tiếc trước quyết định triệu hồi đại sứ Pháp tại Washington, và sẽ tiếp tục làm việc với Paris trong những ngày tới để giải quyết những bất đồng giữa hai nước.
Ngày 18-9, Úc cho biết lấy làm tiếc về việc Pháp quyết định triệu hồi đại sứ tại Canberra liên quan đến thỏa thuận an ninh AUKUS.
“Chúng tôi coi trọng mối quan hệ với Pháp. Chúng tôi mong muốn hợp tác với Pháp lần nữa về nhiều vấn đề cùng chung lợi ích”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Úc cho biết.
Một nguồn tin ngoại giao tại Pháp cho biết đây là lần đầu tiên Paris triệu hồi đại sứ theo cách này.
Thông báo ngày 17-9 của Bộ Ngoại giao Pháp đã không đề cập đến Anh.
“Chúng tôi không cần tham vấn với đại sứ tại Anh của chúng tôi để biết phải làm gì hay đưa ra kết luận gì”, nguồn tin ngoại giao trên nói thêm.
Nguồn: tuoitre.vn