Nhà xuất khẩu gạo hàng đầu này dự kiến chiếm 45% xuất khẩu gạo thế giới trong năm 2021 nhờ mở rộng năng lực cảng biển và các nước như Trung Quốc, Việt Nam năm nay cũng mua gạo của Ấn Độ.
Theo Hãng tin Reuters, 22 triệu tấn gạo mà Ấn Độ xuất đi trong năm nay nhiều hơn cả 3 nhà xuất khẩu gạo lớn của thế giới là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại.
Bộ Nông nghiệp Mỹ trong khi đó ước tính xuất khẩu gạo toàn thế giới sẽ đạt 48,5 triệu tấn trong mùa vụ 2021-2022.
“Cùng với các bên mua truyền thống, năm nay Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh cũng mua gạo từ Ấn Độ” – ông Nitin Gupta, phó chủ tịch công ty kinh doanh gạo Olam India, tiết lộ với Hãng tin Reuters.
Ấn Độ là nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Theo thống kê, Trung Quốc sản xuất 147 triệu tấn gạo trong mùa 2019-2020, tiếp theo là Ấn Độ với 116 triệu tấn.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2021 đã tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12,84 triệu tấn. Trước đó, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2020 đã tăng gần 50%, lên mức kỷ lục 14,7 triệu tấn.
Gạo của Ấn Độ đã chiếm ưu thế giá rẻ hơn các nhà xuất khẩu Thái Lan và Việt Nam từ tháng 3-2021, trong khi nhu cầu gạo của thế giới tăng cao kỷ lục trong dịch COVID-19.
Trước đây, khó khăn lớn với Ấn Độ là về hạ tầng cảng biển Kakinada Anchorage, “cửa ngõ” chính để xuất gạo đi nước ngoài của Ấn Độ. Hạ tầng cảng chưa tốt đã gây ùn ứ và chậm trễ khiến Ấn Độ mất nhiều đơn hàng.
Tuy nhiên, từ tháng 2-2021, Ấn Độ đưa vào sử dụng cảng nước sâu Kakinada ở bang Andhra Pradesh phục vụ cho xuất khẩu gạo.
“Thời gian tàu đợi đã giảm sau khi cảng nước sâu này bắt đầu xuất khẩu gạo” – chủ tịch B.V. Krishna Rao của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ nói.
Cảng Kakinada dự kiến giúp xuất đi 1 triệu tấn gạo trong năm 2021 và ông Rao cho rằng con số có thể tăng gấp đôi nếu hạ tầng cảng được nâng cấp và cải thiện quy trình xuất khẩu.
Nguồn: tuoitre.vn