Trong ngày Rằm tháng 8, các gia đình thường bày mâm cỗ thật đẹp để dâng cúng tổ tiên, sau đó cả nhà cùng phá cỗ trông trăng, tận hưởng tiết trời mát mẻ của mùa thu.
Tuy nhiên, năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, việc đi lại mua sắm bị hạn chế để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Mâm cỗ cúng Rằm tháng 8 có thể được đơn giản hóa tùy theo điều kiện từng nhà.
Ảnh |
Mâm cúng chay
Theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, mâm cỗ đặc trưng của ngày này là bánh trái, hoa quả để trẻ con phá cỗ, vui Trung thu.
Các món bánh được bày lên mâm thường là bánh nướng, bánh dẻo, các loại bánh quy, bánh làm từ bột gạo có hình các con giống.
Ngoài ra, mâm cỗ còn có các loại hoa quả đặc trưng cho mùa thu như: bưởi, na, chuối chín trứng cuốc…
Phụ nữ khéo tay có thể cắt tỉa bưởi, dưa hấu thành hình các con vật với mục đích là để trẻ con thích thú, tạo niềm vui cho trẻ.
Các loại đèn trang trí bày cùng mâm bánh trái gồm đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, đèn con thỏ…Ngoài ra, Rằm tháng 8 cũng là thời điểm học sinh vừa bước vào năm học mới nên người xưa còn cúng cả ông tiến sĩ giấy với mong muốn trẻ con học hành tiến tới, đỗ đạt.
Mâm cỗ ngày này có rất nhiều món hoa quả, bánh kẹo, đồ chơi mà trẻ con thích, vì thế không nhất thiết phải đặt vào mâm như mâm cúng gia tiên, chỉ cần đặt lên một chiếc bàn rộng.
Tùy vào thẩm mỹ, độ khéo léo của từng người mà mỗi nhà sẽ có cách bày mâm cỗ khác nhau sao cho hấp dẫn, đẹp mắt nhất.
Mâm cúng mặn
Theo nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, truyền thống xưa không đặt nặng về mâm cúng mặn trong ngày Rằm tháng 8. Vì vậy cũng giống như các ngày rằm khác, tùy điều kiện từng gia đình mà chuẩn bị mâm cúng mặn, hoặc có món gì thì cúng tổ tiên món đó, không cần câu nệ, rườm rà.
Nguồn: vietnamnet