Nhờ tính tình siêng năng, ham học hỏi, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (55 tuổi) và bà Thân Thị Thanh (53 tuổi), ở thôn 7, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đã vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình trồng cây ăn trái và nuôi gà thả vườn.  

Nhận thấy đất và người Bình Phước rất phù hợp để sinh sống, phát triển kinh tế nên năm 1995, vợ chồng ông Nguyễn Văn Sơn quyết định rời quê hương Cà Mau lên đây lập nghiệp. Tích cóp được khoản vốn, vợ chồng ông Sơn mua được vài ha đất để trồng các loại cây ăn trái nhưng vì chưa có kinh nghiệm, không biết kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng chết hàng loạt, số còn lại phát triển xanh tốt nhưng hiệu quả không cao. Từ thất bại, bà Thanh phải đi bán chè để kiếm sống qua ngày, còn ông Sơn lặn lội về Bến Tre học hỏi kinh nghiệm trồng cây có múi nhằm áp dụng trong vườn nhà.

Bà Thân Thị Thanh chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bưởi da xanh đạt năng suất cao

Sau một thời gian “tầm sư học đạo” về chăm sóc cây ăn trái, ông Sơn đã mạnh dạn chuyển từ trồng các loại cây ngắn ngày sang cây ăn trái. Để vườn cây ăn trái xanh tốt, gia đình ông dành ra nhiều thời gian, công sức cải tạo nền đất, đào ao để tích nước phục vụ cây trồng vào mùa khô và thoát nước mùa mưa. Nhờ đó, sau thời gian dày công chăm sóc, vườn cây ăn trái của gia đình ông Sơn phát triển tốt cho năng suất cao. Trong đó, bưởi da xanh và quýt đường là 2 loại cây luôn cho năng suất cao với chất lượng tốt. Hiện gia đình ông Sơn sở hữu 11 ha cây trồng gồm: quýt đường, bưởi da xanh và cao su cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khi có nguồn thu nhập ổn định, vợ chồng ông Sơn lại quyết đầu tư nuôi gà thả vườn dưới tán cây cao su. Để có kinh nghiệm nuôi gà, ông Sơn một lần nữa khăn gói tìm đến các trang trại chăn nuôi trong tỉnh Bình Phước để học hỏi kỹ thuật. Sau khi nắm vững kỹ thuật, gia đình ông Sơn mạnh dạn đầu tư nuôi hơn 5.000 gà thịt.

Nhờ biết chăm sóc tốt nên đàn gà của gia đình ông Sơn lớn nhanh, ít bệnh

Theo ông Sơn, việc nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có nhiều điểm tương đồng với nuôi nuôi thả hoang truyền thống, là gà được thả tự do trong không gian rộng lớn. Vì vậy, ngoài các loại thức ăn chính như lúa, bắp và cám tổng hợp thì gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để bổ sung thêm dinh dưỡng. Mặt khác, cách nuôi này cũng cần có nhiều quy định nghiêm ngặt từ cách chọn giống, cách chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển.

“Trong tháng đầu tiên, phải đảm bảo sử dụng đầy đủ các loại vắc xin để phòng các loại bệnh như: dịch tả, tụ huyết trùng, bệnh gà rù và đặc biệt dịch cúm AH5N1. Cùng với đó, vườn thả gà cần phải được thoáng mát, không đọng nước nhằm giúp cho gà tránh được mầm bệnh gây ra” – ông Sơn chia sẻ.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật và tuân thủ các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý chuồng trại cũng như phòng bệnh, nên lứa nào gà cũng lớn nhanh và ít bị bệnh. Đặc biệt, gà nuôi theo hướng sinh học cho thịt dai và thơm ngon nên rất được thị trường ưa chuộng.

Lợi nhuận thu về từ nuôi gà, gia đình ông Sơn tiếp tục mở rộng trang trại, tăng quy mô đàn. Hiện tại, gia đình ông Sơn thuê gần 2 ha cao su để đầu tư nuôi thêm 40.000 con gà nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Có thể nói, nhờ làm chủ được kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, cộng thêm tính tình siêng năng, ham học hỏi, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn từ một hộ trung bình đã vươn lên khá giả, trở thành địa chỉ tin cậy cho các hộ dân học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.

Nguồn khoahocthoidai.vn

Từ khóa : bưởi da xanhgà thả vườn

Các tin liên quan đến bài viết