Nắm bắt nhu cầu của phụ huynh muốn cho con trải nghiệm STEM (một mô hình giáo dục tích hợp) trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều khóa học STEM trực tuyến đã nở rộ trong thời gian gần đây.

Loay hoay giữa rừng STEM online - Ảnh 1.

Một lớp học STEM tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) trong năm học 2020 – 2021, trước lúc TP thực hiện giãn cách xã hội 

Trong một “rừng” STEM như thế, phụ huynh lựa chọn chương trình nào cho phù hợp, hiệu quả?

Nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề việc học STEM, vốn kết hợp cả 4 yếu tố khoa học (Science) – công nghệ (Technology) – kỹ thuật (Engineering) – toán (Maths), chỉ qua một chiếc máy tính liệu có hiệu quả hay không?

STEM nhưng chỉ dạy toán?

Ngay tại TP.HCM, từ đầu tháng 7 đến nay khi các hoạt động giáo dục phải chuyển sang hình thức trực tuyến, nhiều trung tâm dạy STEM cũng đã chuyển sang cung cấp các khóa học online. Theo ghi nhận, các trung tâm đưa ra khá nhiều chương trình với học phí đa dạng. Chẳng hạn khóa chỉ chuyên về toán và lập trình cho học sinh tuổi 6 – 8 có thể dao động từ 1 – 3 triệu đồng/khóa, có trung tâm lên đến 4 – 5 triệu đồng/khóa trong 8 – 12 buổi.

Một khóa khác dán mác STEM nhưng nội dung chỉ dạy về toán tư duy. Theo một số phụ huynh đã cho con trải nghiệm, khóa học này thường đưa ra những bài toán dạng hình ảnh, logic để con tập giải quyết. Những đề bài toán có khi sẽ lồng vào các kiến thức về khoa học – công nghệ, nhưng hai mảng nội dung này hoàn toàn không được dạy riêng. Dù vậy, khóa STEM trên cũng có giá đến 2,4 triệu đồng cho 6 buổi.

Thầy Nguyễn Trung Nghĩa, giáo viên tại một trung tâm STEM ở TP.HCM, nhận xét hình thức giảng dạy STEM online không mới nhưng từ đầu mùa dịch đến nay nở rộ mạnh mẽ, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức. Không thể phủ nhận rằng có những đơn vị dạy khá tốt khi chuẩn bị rất đầy đủ phương pháp, học liệu và gửi các mô hình thực hành đến tận nhà cho học viên.

Thầy cô sẽ kết nối với học sinh qua những ứng dụng như Zoom, Google Meets, hướng dẫn thực hiện các trò chơi, thí nghiệm trên online… “Nhưng theo tôi rất khó để đảm bảo được chất lượng dạy STEM bằng hình thức trực tuyến nếu giáo viên không có đủ kỹ năng và trung tâm không có đủ trang thiết bị. Có thể xem đây là một biện pháp hỗ trợ hoặc trợ giúp phần nào, khó hiệu quả nếu đứng một mình” – thầy Nghĩa nói.

Lưu ý mức độ tương tác

TS Dương Tuấn Hưng – Viện Hóa học (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), người đã dành nhiều thời gian cho các hoạt động STEM – chia sẻ tùy vào cách thức sáng tạo, người dạy có thể khai thác những góc cạnh về STEM khác nhau trên môi trường trực tuyến. Mấu chốt nằm ở chỗ truyền tải từ xa với các nội dung thực hành nhiều như STEM sẽ khó hơn, đòi hỏi phải suy nghĩ tìm ra cách trực quan, sinh động.

Cũng theo ông Hưng, hiện nay nhận thấy từ khóa STEM đang “hot”, nhiều đơn vị có phần lạm dụng để thu hút phụ huynh. Một số trung tâm cũng chưa thật sự tốt. Hiện gần như chưa có một quy chuẩn nào về STEM ở Việt Nam mà mỗi đơn vị sẽ có cách triển khai khác nhau.

Vì vậy, phụ huynh trước khi lựa chọn cho con học STEM online cần tìm hiểu thật kỹ về thông tin khóa học, đơn vị nào tổ chức, độ uy tín ra sao, đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm thế nào…

Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng có những hội, nhóm, cộng đồng về STEM khá uy tín. Trên đó thường có những bài viết, bài giảng, webinar miễn phí từ các chuyên gia hay những thầy cô tâm huyết, giúp phụ huynh có thể tìm kiếm thêm thông tin. Hay các tài liệu, thông tin được truyền tải trong những ngày hội STEM quốc gia hằng năm cũng là một kênh đáng tham khảo.

TS Tưởng Duy Hải – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cố vấn cho nhiều trung tâm STEM – cho rằng một trong những điều đáng lưu tâm khi cân nhắc một khóa học STEM online là mức độ tương tác giữa trẻ và người dạy. Sự tương tác này có thực chất hay không và hàm lượng bao nhiêu, hay đơn giản chỉ dừng ở việc cho trẻ học và làm theo các video có sẵn.

TS Hải nhận xét chỉ có sự tương tác mới giữ được giá trị đằng sau một chương trình STEM, đó là khơi gợi niềm cảm hứng khám phá, tìm tòi của trẻ nhỏ. Các khóa chỉ có lý thuyết đôi khi lại khiến trẻ như đang tham gia vào một “lớp học thêm trá hình”.

Tự dạy STEM cho con, được không?

Theo TS Dương Tuấn Hưng, giáo dục không thể phó mặc hết cho nhà trường hay các đơn vị làm giáo dục, mà trước hết phải xuất phát từ gia đình. Từ kinh nghiệm của mình, TS Hưng cho rằng các phụ huynh đều có thể bắt đầu chỉ cho con những nội dung liên quan đến STEM ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Phụ huynh có thể quan sát, lắng nghe những tò mò của trẻ và đặt ra những câu hỏi gợi mở, cùng con trò chuyện về những kiến thức liên quan đến toán – khoa học – kỹ thuật – công nghệ luôn hiện hữu trong cuộc sống.

Ngoài ra, ở nhà sẽ có những dụng cụ mà ở các trung tâm thường không thể có như… muối, đường, dầu ăn, dụng cụ làm bếp… Đây đều là những thứ có thể tận dụng để cho con những hiểu biết mới lạ, tạo ra những hoạt động về STEM mà phụ huynh dễ dàng thực hiện cùng con trong những ngày giãn cách.

Cần xác định mục tiêu

TS Tưởng Duy Hải lưu ý rằng cha mẹ khi đứng trước một khóa học STEM online cho con nên yêu cầu được biết về toàn bộ chương trình. Chẳng hạn khóa sẽ dạy trong 20 buổi thì cụ thể sẽ có những nội dung gì, triển khai ra sao, sau khóa học có thể đạt được những gì? Kế đó, phụ huynh có thể đưa cho các giáo viên đã hoặc đang dạy con đánh giá xem những nội dung này có bổ trợ gì cho việc học của con hay không…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Giãn Cách Xã HộiKhóa học onlineSTEM onlineSTEM trực tuyến

Các tin liên quan đến bài viết