Nếu kéo dài giãn cách dài quá lâu thì người dân, DN khó khăn và suy kiệt khiến DN ngừng hoạt động, nhiều người dân không có việc làm, thu nhập… đây là lúc phải tính cách.
Doanh nghiệp quá khó khăn
Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội vừa được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cho thấy, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác. Ngoài ra, còn 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc điều này.
Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, việc chuyển đơn đặt hàng của các doanh nghiệp EU tại Việt Nam sang nước khác chỉ là quyết định tạm thời. Tuy nhiên, nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài thêm 2-3 tháng hoặc lâu hơn nữa thì tình thế sẽ khó khăn hơn.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát nhanh của Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) với các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam, 60% doanh nghiệp Đức xác nhận bị đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ra rất nhiều hệ lụy. Đáng chú ý có tới 83% doanh nghiệp bị đứt gãy sản xuất do hoạt động vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa bị ảnh hưởng.
Còn gần 60% doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam đang phải đối mặt khó khăn trong 6 tháng gần đây. Có 56% doanh nghiệp phải tạm ngưng hoặc giảm sản xuất ít nhất 80% trong hai tháng qua.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) cho hay các doanh nghiệp Pháp rất lo lắng khi chi phí sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” tăng cao nhưng sản lượng đạt thấp, trong khi vận chuyển lưu thông hàng hóa bị ách tắc. Có 62% doanh nghiệp lo ngại sẽ phải dừng hoạt động nếu tình hình này không được cải thiện trong 3-12 tháng tới.
Các doanh nghiệp Việt Nam còn phải chịu tác động nặng nề hơn. Số liệu của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong 3 tháng qua, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL đã kiệt sức. Với hơn 75.000 doanh nghiệp, đến tháng 8 vừa qua khu vực này chỉ còn chưa tới 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Riêng TP. Cần Thơ đã có gần 10.000 doanh nghiệp (chiếm 95% tổng số doanh nghiệp) đóng cửa.
Càng kéo dài càng thiệt hại
Số liệu của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, số thu ngân sách tháng 8/2021 bị tác động nặng nề, toàn diện của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, số thu giảm mạnh ở hầu hết các sắc thuế chính. Thu thuế giá trị gia tăng chỉ đạt 57%; thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đạt 59,5%; thuế thu nhập cá nhân chỉ đạt 60%; thuế bảo vệ môi trường chỉ đạt 72% số thu bình quân 7 tháng đầu năm. Trong đó, số thu thuế của doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 60%, số thu thuế của doanh nghiệp FDI là 41% và số thu thuế của doanh nghiệp tư nhân là 35,7%. Tỷ lệ này cũng cho thấy khu vực FDI và tư nhân đang bị tác động nặng nề nhất từ đại dịch.
Đặc biệt, số thu lệ phí trước bạ tháng 8 chỉ đạt 970 tỷ đồng, mức thấp đột biến kể từ tháng 1/2020, thấp hơn mức bình quân 7 tháng qua đến trên 2.300 tỷ đồng. Các loại thuế, phí kể trên đều liên quan đến hàng hóa tiêu dùng của người dân, trong đó thuế thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến các loại xe hơi, hàng xa xỉ phẩm; lệ phí trước bạ liên quan đến mua bán ô tô xe máy, nhà ở, đất đai; còn thuế thu nhập cá nhân liên quan trực tiếp đến tổng thu nhập của người dân.
Số thu những sắc thuế trên suy giảm, chứng tỏ các hoạt động tiêu dùng hàng hóa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân đã và đang bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh.
Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động thu thuế hiện khó khăn bởi 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có tỷ trọng chiếm gần 70% tổng thu ngân sách. Tại các địa phương này, thực hiện thu trong tháng 8 chỉ chiếm 55,6%, giảm trên 10% so với mức thực hiện trong 7 tháng.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhận định: Sau đợt giãn cách lần thứ tư này, doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã giảm 50% và giảm mạnh trên diện rộng. Nhu cầu các ngành hàng cũng giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí đầu vào, vận chuyển ngày càng tăng, nguyên vật liệu bị thiếu hụt, dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo ông Nam, đối với nền kinh tế, sự thiệt hại cũng rất rõ ràng. Một loạt chỉ số phát triển công nghiệp, bán lẻ hàng hoá, hàng tiêu dùng suy giảm. Chưa kể những thiệt hại trong trung và dài hạn, như áp đặt biện pháp hành chính chưa hợp lý, còn quá nhiêu khê, cồng kềnh, phức tạp làm xói mòn lòng tin của các doanh nghiệp. Niềm tin của bạn hàng nước ngoài cũng suy giảm do đổ vỡ chuỗi cung ứng, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Càng kéo dài các biện pháp giãn cách thì sự ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất càng lớn, ông Nam lo ngại.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cùng với việc chống dịch, cần điều chỉnh để giảm dần các biện pháp siết chặt để tiếp tục làm ăn, sinh sống. Sự điều chỉnh nới lỏng, tái hoạt động sản xuất kinh doanh thận trọng và an toàn là hoàn toàn cần thiết.
Nguồn: vietnamnet