Người mắc Covid-19 phải đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính. Thực đơn với 4 nhóm thực phẩm như sau: Ngũ cốc, khoai củ; Thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ; Dầu mỡ; Rau xanh và quả chín.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý dành cho F0 điều trị tại nhà là mối quan tâm của nhiều người. Người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác làm giảm khả năng ăn uống. Người nhà cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng.

Ngoài ra, suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến chức năng của hệ miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể khỏi nhiễm trùng từ đó sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng.

Thực phẩm nên dùng và hạn chế dùng

Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người mắc Covid-19 phải đảm bảo được cung cấp đủ thực phẩm, ăn đủ 3 bữa chính, cần phải ăn ngay cả khi bị mệt, không muốn ăn. Nếu lượng ăn vào ít, không đủ thì nên chia nhỏ để ăn thành nhiều bữa hơn.

Mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm như sau: Ngũ cốc, khoai củ; Thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ; Dầu mỡ; Rau xanh và quả chín. Số lượng các nhóm thực phẩm tiêu thụ cân đối trong ngày theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng hợp lý cho các lứa tuổi.

Trường hợp F0 mệt mỏi, chán ăn, không ăn được đủ số lượng cần thiết, nên uống thêm các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng và giàu protein từ 1-3 lần/24h. Đặc biệt, cần chú ý ăn uống đủ, phòng suy kiệt với những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người có bệnh nền…

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 điều trị tại nhà ngoài 3 bữa chính, có thể bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa.

F0 nên được tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (đạm), trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng. Điều quan trọng là người bệnh phải uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo, người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà hạn chế dùng mỡ động vật, nội tạng động vật. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối…), các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt và các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

Ngoài ra, người bệnh được khuyến cáo không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng hoặc theo lời khuyên riêng của bác sĩ.

Người mắc Covid-19 nên ăn những thực phẩm nào?
F0 điều trị tại nhà nên ăn đủ 3 bữa/ngày, có thể bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ.

Các thực phẩm được khuyến cáo nên dùng là nhóm thực phẩm: Gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn… các loại hạt (đậu đỗ, vừng, lạc), sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa bột, sữa tươi, sữa chua), thịt các loại, cá, tôm, trứng và các sản phẩm từ trứng (trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút), dầu thực vật, dầu oliu, dầu cá.

Chế độ dinh dưỡng cho F0 nhẹ và không có triệu chứng

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhu cầu dinh dưỡng ở người trưởng thành sẽ được tính theo công thức: Năng lượng 30- 35 kcal/kg cân nặng/ngày. Trong đó, chất đạm 15-20% tổng năng lượng, chất béo 20-25% tổng năng lượng, chất đường bột 50-65% tổng năng lượng.

Người bệnh cũng phải được cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất theo lứa tuổi. Đặc biệt tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E; các thực phẩm giàu kẽm và selen. Rau xanh 300g/ngày, hoa quả 200g/ngày. Chất xơ cung cấp 18-20g/ngày, muối 5g/ngày.

Người bệnh nên uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày), nên uống nước ấm và rải rác trong ngày. Nếu bị sốt, F0 nên uống Orezol để bù nước và điện giải.

Đối với trẻ em, người nhà phải định kỳ theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng cân nặng và lượng thức ăn trẻ ăn vào. Hàng ngày, trẻ phải ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).

Bộ Y tế cũng khuyến cáo gia đình hạn chế cho bé ăn quá nhiều đồ ngọt, ăn quá mặn. Trẻ phải được cung cấp đủ nước, đặc biệt nước trái cây tươi. Trường hợp trẻ kém ăn, dùng sữa công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.

Đặc biệt, người mắc Covid-19 phải đảm bảo an toàn về dinh dưỡng. Đó là thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm đúng cách nếu ăn còn dư thừa.

Người bệnh phải dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh, không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh khi chế biến thực phẩm, bạn nên rửa tay trước và sau khi chế biến bữa ăn. Ngoài ra, nếu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, bạn cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bệnh nhân Covid-19Bộ Y Tế

Các tin liên quan đến bài viết