UBND tỉnh Tây Ninh vừa có văn bản kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với 11 đơn vị được tỉnh cấp phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.

 Theo đó, khu vực lòng hồ Dầu Tiếng được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát xây dựng ngày 26/11/2013, theo quy định của Luật Khoáng sản.

Chỉ 30% công suất khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng được kê khai, nộp thuế. Ảnh: Lê Đức Hoảnh

Tính đến tháng 4/2017 UBND tỉnh đã cấp phép khai thác khoáng sản cát khu vực hồ Dầu Tiếng cho 11 đơn vị gồm: huyện Tân Châu 6 mỏ; trong đó 2 mỏ nằm trên thượng nguồn đập Tha La, 4 mỏ nằm ở vị trí các nhánh hồ; huyện Dương Minh Châu có 5 mỏ; trong đó 4 mỏ nằm trong khu vực lòng hồ, có bến bãi sử dụng đường ngang đập phụ của hồ để vận chuyển cát ra ngoài, 1 mỏ nằm ở vị trí nhánh hồ. Tổng trữ lượng cát được phép khai thác theo giấy phép là trên 6,4 triệu m3, trữ lượng đã khai thác là 897.000 m3, trữ lượng còn lại khoảng trên 5,5 triệu m3.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, việc cấp phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng bảo đảm đúng quy trình, quy định, kết hợp hài hòa, hợp lý giữa khai thác tài nguyên khoáng sản phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển với bảo vệ an toàn công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng và bảo vệ môi trường sinh thái trong hồ.

Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng cơ bản chấp hành đúng quy trình, quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng vẫn còn một số sai sót cần chấn chỉnh. Cụ thể, một số đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ một số quy định liên quan đến khai thác mỏ, công tác phối hợp của các ngành chức năng trong quản lý hoạt động này chưa chặt chẽ, đồng bộ, nên chậm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Đó là khai thác khoáng sản không có giám đốc điều hành mỏ, đóng tàu khai thác không xin giấy phép, xe chở cát thường xuyên quá tải, không che chắn, gây mất an toàn hồ đập, ô nhiễm môi trường; kê khai không đúng, không đủ khối lượng khai thác, nếu so với thực tế sản lượng cát khai thác doanh nghiệp bán ra thị trường, thì lượng cát kê xuất trên hóa đơn để đóng thuế chỉ đạt khoảng 30%, gây thất thu lớn nguồn ngân sách của nhà nước…

Từ kết quả kiểm tra trên, UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu các đơn vị liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Cục Thuế, Công an, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa… chậm nhất trong tháng 7 phải đề ra các biện pháp khắc phục, để hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đi vào nề nếp.

Trong đó, buộc doanh nghiệp phải công bố đầy đủ, rõ ràng, nghiêm túc kế hoạch khai thác, xuất bán, vận chuyển cát hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để cơ quan chức năng, kiểm tra, giám sát, nộp nộp thuế đầy đủ.

Tỉnh cũng giao Cục Thuế tỉnh có biện pháp cụ thể theo dõi, quản lý chặc chẽ việc nộp thuế, phí có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, không để thất thu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với đơn vị, có hành vi vi phạm nghĩa vụ nộp thuế.

UBND tỉnh Tây Ninh cũng có văn bản cho phép 8 doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng được hoạt động trở lại, để giảm bớt căng thẳng về nhu cầu cát xây dựng, ổn định giá cả thị trường. Đồng thời, đình chỉ hoạt động 3 doanh nghiệp trong thời hạn 3 tháng do có những vi phạm nghiêm trọng./.

Nguồn TTXVN

Từ khóa : hồ dầu tiếngkhai thác cáttây ninhthuế

Các tin liên quan đến bài viết