Gần đây, mạng xã hội “nổi sóng” với việc một số nghệ sĩ dùng tài khoản cá nhân kêu gọi góp tiền từ thiện nhưng sao kê không rõ ràng.
Có người huy động hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ công bố trên 1 tờ giấy A4, có người “ngâm” tiền từ thiện nhiều tháng…
Vậy người huy động tiền từ thiện vào tài khoản cá nhân có phải công khai không, nếu có việc giấu bớt số tiền nhận được thì có vi phạm pháp luật không…?
Cơ quan chức năng cần vào cuộc
Bắt đầu từ livestream tố cáo của một nữ doanh nhân về việc nghệ sĩ H.L. nhận được 14 tỉ đồng nhưng “ôm” trong tài khoản cá nhân suốt 6 tháng không chuyển cho bà con miền Trung, nghệ sĩ này liền giải ngân cấp tốc số tiền trên.
Sau đó, cũng chính nữ doanh nhân này tiếp tục tố cáo các nghệ sĩ Đ.V.H., T.Th., T.T. huy động tiền từ thiện vào tài khoản cá nhân nhưng con số công bố thấp hơn thực tế. Do đó, bà đề nghị những nghệ sĩ trên phải minh bạch tài khoản đối với công chúng.
Nói về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng khi một cá nhân sử dụng tài khoản mình mở tại ngân hàng để huy động tiền từ thiện, thì tài khoản đó dưới góc độ pháp lý vẫn chỉ là một tài khoản tiền gửi cá nhân thông thường.
Do vậy, việc công khai số dư tài khoản, lịch sử hoạt động tiền ra, vào tài khoản thuộc quyền quyết định của cá nhân đó, hoặc người được cá nhân đó ủy quyền.
Ông Hải khẳng định pháp luật chỉ quy định trong một số trường hợp đặc biệt, các cơ quan nhà nước có quyền can thiệp, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cá nhân.
Tuy nhiên, luật sư Hải cũng lưu ý: “Thứ nhất, người dân gửi tiền từ thiện có lý do chính từ sức hút quảng bá lớn của cá nhân nghệ sĩ. Vì lý do này, mặc dù không thiếu những tổ chức từ thiện có hoạt động bài bản, nhiều người vẫn lựa chọn gửi tiền theo lời kêu gọi từ nghệ sĩ.
Thứ hai, nếu các nghệ sĩ đã chấp nhận làm thiện nguyện, dùng ảnh hưởng của mình để huy động tiền thì cũng phải chấp nhận cơ chế quản lý công khai hoạt động tài khoản sao cho minh bạch.
Từ hai khía cạnh nêu trên cho thấy nếu có dư luận nghi ngờ mà nghệ sĩ nào đó không chịu minh bạch số tiền huy động, chi ra từ thiện thì các cơ quan thanh tra, điều tra cần vào cuộc xác minh theo tính chất vụ việc.
Một mặt trả lại sự ngay thẳng trong sạch cho các nghệ sĩ, mặt khác là để ngăn chặn và trừng trị việc lừa dối chiếm đoạt tiền từ thiện của cộng đồng nếu có”.
Quyên tiền vào tài khoản cá nhân là trái pháp luật
Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM). Ông Hưng phân tích: theo pháp luật hiện hành, cá nhân muốn vận động, tiếp nhận tiền từ thiện thì phải lập quỹ hợp pháp.
Điều đó có nghĩa việc các nghệ sĩ chưa lập quỹ hợp pháp mà dùng tài khoản cá nhân để quyên tiền từ thiện là trái pháp luật. Thủ tục thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội được thực hiện theo quy định tại 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng thực tế như một thông lệ và truyền thống tốt đẹp của người Việt, khi xảy ra thiên tai các cá nhân, đặc biệt là các nghệ sĩ luôn nhiệt tình kêu gọi ủng hộ người dân gặp khó khăn.
Hành động này nặng về tình người, tương thân tương ái và thực hiện trong hoàn cảnh cấp bách, nên cơ quan thực thi pháp luật chưa quan tâm và mặc nhiên để nó tồn tại, thiếu kiểm soát. Từ đó, đã có không ít vụ lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân bị cơ quan chức năng xử lý.
“Với cách dùng tài khoản cá nhân để huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ hiện nay lộ ra sự khó kiểm soát về tính minh bạch, khách quan.
Có người huy động được số tiền rất lớn đến hàng trăm tỉ đồng, số tiền này nếu không được công khai, minh bạch và kiểm soát thì nguy cơ bị lợi dụng không phải là không có.
Một tài khoản vừa thu chi cho mục đích cá nhân, vừa làm từ thiện trong một thời gian dài thì rất khó chứng minh tính minh bạch”, luật sư Hưng nhấn mạnh.
Ăn chặn tiền từ thiện, bị xử lý hình sự
Đối với tình huống mà dư luận đang rất quan tâm là huy động được nhiều nhưng công bố ít, một thẩm phán đang làm việc tại TAND TP.HCM cho rằng người làm từ thiện phải minh bạch tài khoản, thông báo số dư thu chi hằng ngày trong thời gian làm từ thiện và báo cáo kết quả tổng kết sau khi kết thúc hoạt động từ thiện, chứ không phải đợi khi dư luận lên tiếng thì mới báo cáo, công khai.
Người làm từ thiện không thể lập luận rằng làm từ thiện là vì cái tâm nên không dám gian lận, cái tâm phải xuất phát từ minh bạch thì mới đáng tin.
“Ở góc độ pháp luật, hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện có dính dáng đến vụ lợi cá nhân là vi phạm pháp luật, nếu chứng minh được khoản tiền từ thiện bị dùng trái mục đích, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015”, vị này nói.
Theo đó, những nhà hảo tâm đã có đóng góp từ lời kêu gọi của các nghệ sĩ, nếu có chứng cứ chứng minh họ không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi thì cần làm đơn tố giác tội phạm gửi đến các cơ quan chức năng để được xem xét.
Từ đó, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu ngân hàng và những người liên quan cung cấp dòng tiền trong tài khoản từ thiện để điều tra. Trong trường hợp không có người tố giác, nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ quan điều tra tự mình phát hiện có dấu hiệu trục lợi hoạt động từ thiện, họ cũng có quyền điều tra theo quy định.
Ngoài ra, nếu có nghi ngờ người làm từ thiện, dưới danh nghĩa là “nhà hảo tâm” dùng tiền từ các hoạt động thu nhập bất hợp pháp như một hình thức để rửa tiền, thì cơ quan điều tra cũng có thể điều tra độc lập.
Tiếp nhận, sử dụng tiền từ thiện phải minh bạch
Nghị định 64/2008 đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế đối với việc kêu gọi từ thiện và công việc thiện nguyện, do đó mới đây Chính phủ đã ban hành dự thảo nghị định về việc này.
Theo đó, dự thảo quy định các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả (của thiên tai, dịch bệnh, sự cố…) phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Cá nhân huy động quyên góp tiền phải có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.
Nguồn: tuoitre.vn