Bộ trưởng y tế các nước thuộc nhóm G20 đã nhất trí đặt mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho ít nhất 40% dân số thế giới vào cuối năm nay.
Mục tiêu này đã được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng y tế các nước thuộc nhóm G20, diễn ra tại Rome (Italia), theo trang tin của Channel News Asia.
Hội nghị cũng đã thông qua tuyên bố của các bộ trưởng, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác đa phương mạnh mẽ trong quá trình kiểm soát dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu, với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữ vai trò trung tâm. Các bộ trưởng nhất trí rằng, tiêm chủng là chìa khóa để ứng phó với dịch bệnh.
Tuyên bố ghi nhận những ảnh hưởng trên phạm vi rộng của dịch Covid-19 đối với sức khỏe tinh thần của mỗi người và tiến độ trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Những mục tiêu này bao gồm việc giải quyết các thách thức toàn cầu như nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, hòa bình và công lý.
Bộ trưởng y tế các nước thuộc nhóm G20 nhóm họp tại Rome, Italia |
Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực chung để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó tốt hơn với các rủi ro và tình huống khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong tương lai.
Sau hội nghị, Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza cho biết, các nước G20 đã đồng ý gửi hỗ trợ tài chính và cung cấp thêm vắc xin Covid-19 cho các quốc gia nghèo hơn. “Các quốc gia giàu nhất và có tiềm lực nhất cam kết xây dựng một chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho tất cả các nước”, Bộ trưởng Roberto Speranza tuyên bố. “Chỉ bằng cách cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đảm bảo việc phân phối vắc xin Covid-19 một cách công bằng hơn, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về tiếp cận vắc xin phòng bệnh”.
Philippines nới giãn cách thủ đô bất chấp số ca nhiễm tăng cao
Philippines sẽ dỡ bỏ lệnh ở yên trong nhà tại vùng đô thị của thủ đô Manila, đồng thời thí điểm biện pháp “phong tỏa cục bộ” ở khu vực này nhằm làm giảm số ca Covid-19 và khôi phục nền kinh tế.
Theo ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, biện pháp mới sẽ tập trung phong tỏa cụ thể một hộ gia đình, một tòa nhà hoặc một con phố khi phát hiện ca nhiễm, và thức ăn sẽ được giao đến tận nhà. Tuy nhiên, ông không cho biết chi tiết về việc Manila sẽ thực hiện những biện pháp phong tỏa cục bộ này như thế nào.
Động thái nới lỏng các hạn chế của Philippines được đưa ra trong bối cảnh nước này vẫn ghi nhận trung bình trên 20.000 ca nhiễm mới/ngày trong suốt 3 ngày qua, gấp đôi số ca nhiễm mới/ngày lúc mới bắt đầu phong tỏa hồi tháng trước. Việc phong tỏa cục bộ sẽ tạo điều kiện để những doanh nghiệp đang gặp khó khăn của Philippines có thể mở cửa trở lại và thúc đẩy du lịch địa phương. Các nhà hàng, tiệm spa tại vùng đô thị Manila cũng sẽ được phép hoạt động trở lại với công suất giới hạn.
Bộ Y tế Philippines cho biết, tính đến ngày 6/9, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này đã lên tới 2,1 triệu, trong đó có hơn 34.300 trường hợp tử vong. Hiện chỉ có khoảng 19% dân số Philippines được tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19.
New Zealand sắp dỡ phong tỏa phần lớn đất nước
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 6/9 cho biết, nước này sẽ ngừng áp đặt lệnh ở yên trong nhà từ 0 giờ ngày 7/9 và mở cửa trường học vào ngày 8/9 tại tất cả khu vực trên cả nước. Tuy nhiên, Auckland sẽ bị phong tỏa thêm ít nhất một tuần nữa. Thành phố 2 triệu dân này hiện vẫn chưa thể kiểm soát sự lây lan của virus corona.
Những nơi khác sẽ được nới lỏng về cấp độ 2 theo hệ thống 4 cấp độ ứng phó với dịch Covid-19 ở New Zealand. Dù vậy, cuộc sống tại đây sẽ không hoàn toàn trở lại bình thường như trước. Ở những khu vực này, người dân được tụ tập trong nhà với số lượng tối đa 50 người. Nhiều địa điểm công cộng bắt buộc đeo khẩu trang và sử dụng ứng dụng truy vết người nhiễm Covid-19.
Trước đó, đợt bùng phát Covid-19 ở Auckland đã chấm dứt chuỗi 6 tháng New Zealand không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới nào trong cộng đồng. Ngày 4/9, New Zealand ghi nhận ca tử vong đầu tiên bởi Covid-19 kể từ tháng 2 năm nay, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 27.
Sydney nguy cơ vượt mức 2.000 ca nhiễm/ngày
Sydney, tâm dịch Covid-19 lớn nhất ở Australia ở thời điểm hiện tại, bị cảnh báo sẽ chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày lên trên mức 2.000 ca từ giờ cho đến giữa tháng 9.
“Nếu còn quá nhiều người vi phạm các quy định an toàn, nếu còn có quá nhiều sự kiện siêu lây nhiễm được tổ chức, những con số trên có thể còn cao hơn”, bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến bang New South Wales nơi Sydney là thủ phủ, lưu ý trong một cuộc họp báo hôm 6/9.
Tổng cộng, New South Wales đã ghi nhận 1.281 ca nhiễm Covid-19 mới trong hôm 6/9, hầu hết ở thành phố Sydney, cùng 5 trường hợp tử vong mới.
Australia đang cố gắng ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 đang hoành hành tại 2 thành phố lớn nhất của nước này là Sydney và Melbourne, cùng thủ đô Canberra. Điều này buộc hơn một nửa trong số 25 triệu người dân Australia phải tuân thủ các quy định hạn chế nghiêm ngặt.
Các doanh nghiệp Australia đang phải gánh chịu nhiều khó khăn, và quốc gia này đang đứng bên bờ vực của một cuộc suy thoái lần thứ hai sau nhiều năm.
Nguồn: vietnamnet