Đủ điều kiện sức khỏe, không mắc bệnh mạn tính, đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19,… là những điều kiện cần có với các lực lượng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch.
Bộ Y tế vừa có Công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn về quy định đảm bảo an toàn đối với các lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Nhóm đối tượng áp dụng gồm: nhân viên y tế, sinh viên khối ngành sức khỏe và các lực lượng khác: cán bộ y tế nghỉ hưu, giáo viên, thanh niên, tăng ni phật tử/tu sĩ, lái xe,…
Trong công văn, Bộ Y tế nêu rõ 6 yêu cầu chung mà người tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch cần có để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể:
1. Đủ điều kiện sức khỏe về thể chất, tinh thần; Không mắc các bệnh nền, mạn tính (bệnh gan, thận, tiểu đường, ung thư, tim mạch, béo phì, bệnh đường hô hấp, bệnh suy giảm miễn dịch…); Không cử phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.
2. Không thuộc đối tượng tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày trước ngày làm nhiệm vụ; không có các biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở, đau rát họng…
3. Đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
4. Được xét nghiệm SARS-CoV-2: trước khi vào hỗ trợ (trong thời gian tối đa 72 giờ), định kỳ 3 ngày/lần trong thời gian công tác và trước khi kết thúc đợt công tác.
5. Được tập huấn về nội quy phòng, chống dịch, nhiệm vụ của đoàn công tác, đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhiễm khuẩn và hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân theo yêu cầu tại các vị trí làm việc trước khi tham gia.
6. Được cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, quy định về phòng, chống dịch, các thông tin liên quan đến địa phương, đơn vị đến công tác.
Thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh ở TP. Vinh, Nghệ An |
Khi kết thúc thời gian tham gia công tác, các lực lượng sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi về đơn vị.
Đối với người làm nhiệm vụ có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm SARS-CoV-2 (điều tra dịch tễ; lấy mẫu xét nghiệm; phục vụ các cơ sở cách ly tập trung; làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; hỗ trợ trạm y tế lưu động cấp thuốc cho người nhiễm SARS-CoV-2,…), việc cách ly xét theo 2 trường hợp:
– Đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19: Thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (2 lần) vào ngày đầu và ngày thứ 7 kể từ ngày đến/về địa phương. Tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, thực hiện đầy đủ 5K.
– Chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19: Thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (2 lần) vào ngày đầu và ngày thứ 14 kể từ ngày đến/về địa phương. Tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, thực hiện đầy đủ 5K.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về y tế, lao động – xã hội; ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp, nước uống, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ y tế và lực lượng tham gia hỗ trợ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ (đối với địa phương/đơn vị cử người); thực hiện xét nghiệm định kỳ và xét nghiệm khi kết thúc nhiệm vụ (đối với địa phương/đơn vị được hỗ trợ).
Nguồn: vietnamnet