Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Hàng vạn bức điện và thư từ khắp các lục địa gửi đến chia buồn với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà bè bạn khắp năm châu cùng dư luận tiến bộ trên thế giới đã nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh với một tình cảm kính yêu, thân thiết đặc biệt. Có sự ca ngợi và đánh giá đó, trước hết là do mọi người đều nhận thấy Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà yêu nước mà còn là một lãnh tụ vĩ đại của cách mạng, một chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, một nhà lý luận cách mạng giàu thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh.
Cái chết có thể làm gì được đối với tấm gương của một cuộc đời
Điện chia buồn của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ngày 4/9/1969 nêu: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời tuyệt vời và toàn bộ tài năng của người chiến sĩ cách mạng cho sự nghiệp đấu tranh vì tương lai xán lạn của nhân dân mình, vì thắng lợi của chủ nghĩa Mác Lênin”.
Phút mặc niệm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Là chủ tọa trong buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris, Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp Georges Marchais đánh giá: “Hồ Chủ tịch là một trong những nhân vật vĩ đại của thời kỳ quang vinh trong những năm đầu tiên của Quốc tế thứ ba…, là một trong những chiến sĩ tiền phong của chủ nghĩa cộng sản, một trong những người đã tổ chức và phát triển phong trào cách mạng khắp năm châu, bốn biển”.
Với những người cộng sản Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi như lớp anh cả, bởi Người đã góp phần sáng lập ra đảng Cộng sản Pháp. Những người cộng sản, các nhà báo Pháp đã tập hợp tại Paris tổ chức truy điệu Người nhưng như nhà báo Mác-tin Mơ-nốt viết:
“Chúng tôi hội họp nhau lại, không phải để khóc đồng chí Hồ Chí Minh của chúng ta mà là để làm cho đồng chí sống lại với chúng ta, sống lại trong trí nhớ của chúng ta, và sống trong niềm tin của chúng ta… Nhưng cái chết có thể làm gì được đối với sự tỏa sáng của một luồng tư tưởng, đối với sức mạnh của một ý chí, đối với sự vĩ đại của khí thế một con người! Cái chết có thể làm gì được đối với tấm gương của một cuộc đời!…
Cần phải ra sức chiến đấu gấp bội hơn nữa. Cần làm mọi việc để sự nghiệp mà đồng chí Hồ Chí Minh đã trọn đời cống hiến sẽ chiến thắng mãi mãi. Cần dốc hết sức mình để giải phóng Việt Nam và đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Đó là cách chúng ta để tang Người”.
Chủ tịch đảng Cộng sản Nhật Bản Sanzō Nosaka kể lại, trên chuyến máy bay trở về sau khi dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông ngồi gần Tổng bí thư, Trưởng đoàn đại biểu đảng Cộng sản Mỹ Gus Hall. Khi chia tay, ông Gus Hall đã nói với ông một câu để lại ấn tượng rất sâu sắc là: “Cho đến giờ phút này, đồng chí Hồ Chí Minh vẫn xây dựng tình đoàn kết cho chúng ta”.
Là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Hà Nội viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, cũng là một người bạn chiến đấu cũ, đã đọc bài điếu văn nhòa trong nước mắt:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của thế giới thứ ba, của các dân tộc đói nghèo và khát khao nhân phẩm. Người đã dạy họ trước hết phải dựa vào sức mình là chính để tự giải phóng, và một quốc gia chỉ có thể tồn tại nếu những con em của đất nước họ không chịu sống cuộc đời nô lệ.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho cuộc đời của những người nào biết nắm ngọn cờ giải phóng dân tộc bách chiến bách thắng, vượt qua mọi sóng gió thử thách, đã góp phần hy sinh, đã sống có ý nghĩa và danh dự, đã tự tay tạo ra đất nước mới, xã hội mới của mình”.
Lễ truy điệu Bác Hồ tại thành phố Saalfeld, Cộng hòa Dân chủ Đức (1969) |
Trong bức điện chia buồn viết ngày 5/9/1969, Tổng thống Cộng hòa Guinea Sékou Touré đánh giá: “Xuất sắc và dũng cảm, người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á – Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống đế quốc, chống thực dân cũ và mới”.
Đối với các lãnh tụ châu Phi nói chung, với Tổng thống Sékou Touré nói riêng, Hồ Chí Minh là người anh cả cùng chung những nỗi khổ đau, cùng chung một nhiệm vụ và những băn khoăn lo lắng cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Ngày 15/9/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Tổng thống Touré sang thăm chính thức Việt Nam. Người bày tỏ tấm lòng thân tình với Tổng thống Touré và thanh niên yêu nước Guinea bằng hai câu thơ: “Bây giờ gặp mặt nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên” để cùng nhắc lại những kỉ niệm cách đó hơn 40 năm khi Người có dịp đến thăm thủ đô Conakry.
Điện chia buồn của Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi viết ngày 4/9/1969 thể hiện niềm tin tưởng: “Người không còn nữa, nhưng tên tuổi của Người sẽ sống mãi như nhân dân của Người. Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ thế hệ mai sau”.
Hồ Chí Minh là Lênin ở Việt Nam
Xã luận báo Rạng đông (Pakistan) số ra ngày 5/9/1969 cũng khẳng định: “Tấm gương của Người sẽ tiếp tục tồn tại để làm ngôi sao dẫn đường cho các dân tộc ở châu Phi và châu Á”.
Quả đúng vậy. Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến cho các nhà cách mạng trên thế giới coi Người như một nhà chiến lược thiên tài, một mẫu mực tuyệt vời về chí khí đấu tranh kiên cường, về tinh thần nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, về đạo đức vô song, tác phong khiêm tốn, giản dị.
Trong bài viết đăng trên báo Sao Mai, cơ quan trung ương của đảng Cộng sản Anh, số ra ngày 5/9/1969, Tổng bí thư đảng Cộng sản Anh John Gollan nhắc lại hai lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị đại biểu các đảng Cộng sản và đảng Công nhân tại Moscow năm 1960 và ở Hà Nội năm 1965.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo quốc tế. |
Ấn tượng với ông là một Hồ Chí Minh không hề nao núng trước cảnh tàn phá ghê gớm do sự xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra trên đất nước Việt Nam. John Gollan khẳng định: Người chính là tượng trưng “cho người Việt Nam, tận tụy nhưng không cuồng tín, nhỏ bé nhưng không hề khuất phục, yêu chuộng hòa bình nhưng đã kiên quyết tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng”.
Tại cuộc mít tinh tổ chức ở Tokyo ngày 25/9/1969 để tỏ lòng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Nhật Bản Shingo Shibata đã có bài viết rất dài “Hồ Chí Minh – Nhà tư tưởng”.
Trong bài viết, ông nêu bật lên những cống hiến lý luận của Người về vấn đề dân tộc và thuộc địa, về vấn đề dân chủ và nền độc lập tự chủ, về lý luận quân sự, về đảng, về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và cuối cùng, ông nhìn nhận: “Tinh thần cách mạng dũng cảm của Người trong cuộc đấu tranh cho tự do và độc lập; sự cống hiến trọn vẹn của Người cho nhân dân; tính trong sạch, khiêm tốn, quảng đại và thanh khiết của Người – những từ này để miêu tả nhân phẩm của Lênin cũng là những từ miêu tả thực sự nhân phẩm của Cụ Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là Lênin ở Việt Nam”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng sự nghiệp hoạt động cách mạng và những cống hiến về văn hóa của mình đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bắc nhịp cầu giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè khắp năm châu.
Những lời ca ngợi, đánh giá của bạn bè quốc tế, của dư luận tiến bộ trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh để khẳng định sức mạnh trong nhân cách, đạo đức và hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cổ vũ cho mỗi người dân chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường vinh quang mà Bác Hồ kính yêu và Đảng ta đã lựa chọn.
Nguồn: vietnamnet