Một ngày cuối tháng 2, trước khi bắt đầu tiết dạy của mình, ThS Võ Đình Văn đưa ra câu hỏi cho những sinh viên năm thứ nhất: “Theo các em, hạnh phúc là gì?”.

Nhiều sinh viên lúng túng trước câu hỏi của thầy giáo 8X. Có sinh viên đứng lên nói rằng: “Hạnh phúc là khi có mẹ, có ba ở bên”; “Hạnh phúc là khi mình có thật nhiều tiền để làm những điều mình thích”…

Bước xuống bục giảng, thầy giáo trẻ mỉm cười. Đây không phải là lần đầu tiên thầy Văn nhận được những câu trả lời như thế.

Là Phó Giám đốc Chương trình Giáo dục tổng quát của Trường ĐH Thái Bình Dương (Nha Trang), anh Văn luôn trăn trở về việc “Làm thế nào để sinh viên hạnh phúc?”.

Dạy sinh viên ‘hạnh phúc’

ThS Võ Đình Văn

Những trăn trở này bắt nguồn từ khi anh còn đang theo học tại Mỹ. Rất nhiều sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, nhưng lại chẳng mấy vui vẻ, thậm chí thường xuyên rơi vào trạng thái khủng hoảng. Áp lực, mệt mỏi khiến họ tìm đến những thói quen có hại.

Ngay tại ngôi trường anh Văn đang dạy cũng không hiếm những trường hợp như thế.

“Có sinh viên không thiếu bất cứ thứ gì, thậm chí đi học bằng những phương tiện khiến người khác phải “ghen tị”. Thế nhưng bạn ấy nói rằng, cũng có những lúc thấy cuộc sống không còn gì ý nghĩa”.

“Liệu mình có thể thiết kế một khóa học để dạy sinh viên hạnh phúc?” – Lời “đặt hàng” của thầy Phó hiệu trưởng Phạm Quốc Lộc thôi thúc anh Văn bắt tay vào xây dựng chương trình.

“Nhiều người thắc mắc rằng, làm sao có thể dạy được “hạnh phúc”, bởi điều này chủ yếu vẫn đến từ may mắn. Nhưng thực tế, có những hành vi thông qua tập luyện cũng có thể giúp chúng ta cảm nhận và đạt mức độ hạnh phúc cao hơn, ví dụ như thông qua thiền chánh niệm, tập luyện lòng biết ơn hay trao lòng tốt tới những người khác.

Từ đó, tôi muốn sinh viên hiểu rằng, thành công hay hạnh phúc là điều chúng ta hoàn toàn có thể đạt được chứ không phải trông chờ vào một sự may mắn nào đó”.

Và thế là, môn học có tên “Thành công và hạnh phúc” ra đời. Đây là một trong chuỗi các môn sinh viên sẽ phải học ngay từ năm đầu tiên bước vào trường, bên cạnh những môn như Tranh biện về đạo đức, Cảm thụ nghệ thuật, Trách nhiệm xã hội,…

Sinh viên muốn hạnh phúc hơn

“Học về hạnh phúc” không còn xa lạ ở nhiều trường đại học trên thế giới.

ĐH Yale – ngôi trường nằm trong danh sách các trường Ivy League của nước Mỹ – vào đầu tháng 1/2018 đã kiến tạo ra lớp học có tên gọi “Khóa học về Hạnh phúc”. Chỉ trong vòng 3 ngày, đã có khoảng 1.200 sinh viên – chiếm 1/4 sinh viên bậc đại học của Yale – ghi danh. Đây cũng là khoá học có số lượng sinh viên tham dự đông nhất trong hơn 317 năm lịch sử của trường.

Và khi khóa học này xuất hiện trên trang giáo dục trực tuyến Coursera, nó đã bứt phá lên con số 1,8 triệu người đăng ký – một con số kỷ lục cho bất cứ một khoá học trực tuyến nào trong lịch sử nhân loại.

Lý giải cho việc ra đời của những lớp học hạnh phúc này, Carole Pertofsky, Giám đốc Chương trình Nâng cao Hạnh phúc và Sức khoẻ của ĐH Stanford, đã nhắc đến hiện tượng “Những chú vịt Stanford”.

“Họ là những con vịt đang thảnh thơi bơi trên làn nước xanh trong, đôi cánh sải theo ánh mặt trời rực rỡ với gương mặt tự mãn, nhưng ẩn sâu trong lớp sóng ngầm kia là sự tăm tối với những cú đạp điên cuồng khi phải vật lộn để tiếp tục di chuyển về phía trước”.

Áp lực phải thành công đã khiến tỷ lệ sinh viên mắc chứng căng thẳng, lo âu, thậm chí phải tìm đến cái chết ở những ngôi trường hàng đầu nước Mỹ tăng lên mức “không tưởng”.

Theo một nghiên cứu ở Mỹ, tự sát là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng thứ 2 của đất nước này đối với những người ở độ tuổi 10 – 24.

Vì thế, những người đứng đầu các trường mong muốn, những tiết học như thế này sẽ làm phong phú hơn đời sống tinh thần của sinh viên, gạt bỏ những áp lực học hành, thi cử, để sinh viên luôn cảm thấy lạc quan và sống hạnh phúc.

“Nhiều người trong số chúng ta luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, không hạnh phúc. Vì thế, thông qua lớp học này, em mong muốn sẽ học được một vài mẹo để có cuộc sống bớt áp lực hơn”, Riley Richmond, 22 tuổi nói.

Trong khi đó, tại các trường đại học của Trung Quốc, các khóa học dạy về hạnh phúc, về tình yêu… được mở ngày càng nhiều, thu hút sự quan tâm của sinh viên.

Theo một bài viết trên Tân Hoa Xã, bản chất của các khóa học này là hướng dẫn, định hướng sinh viên trau dồi khả năng quản lý hạnh phúc của chính mình. Sinh viên được học cách kết nối, khả năng đồng cảm và chia sẻ. Bên cạnh đó, có thái độ tích cực, lạc quan khi đối mặt với các khó khăn.

Sinh viên cần học những gì?

‘Mình nên làm gì với cuộc đời mình’ là câu hỏi khiến nhiều người vật vã suốt cả cuộc đời.

Đáp án được gói gọn trong “Ikigai” – cụm từ bắt nguồn từ Nhật Bản, được kiến giải rất rõ trong cuốn sách nổi tiếng “Ikigai – Đi tìm lý do thức dậy mỗi sáng” của hai tác giả Hector Garcia và Francesc Miralles.

Ikigai được ghép từ hai từ là “cuộc sống” và “trở nên có giá trị”, đó chính là mục đích sống của con người. Xác định được Ikigai của bản thân sẽ mang đến cảm giác hài lòng, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống.

Theo quan niệm của người Nhật, Ikigai bao gồm: Điều bạn yêu thích (Đam mê và sứ mệnh), Điều bạn làm giỏi (Đam mê và nghề nghiệp), Điều giúp bạn kiếm ra tiền (Chuyên môn và kỹ năng), Điều thế giới cần (Sứ mệnh và kỹ năng).

Dạy sinh viên ‘hạnh phúc’

Ở Việt Nam, theo PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay, một số trường học đã đưa thực hành chánh niệm vào giảng đường như cách thức để giúp người học có những khoảnh khắc cân bằng nội tâm của mình.

“Nếu chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt u ám, chúng ta sẽ không thấy hạnh phúc. Nhưng nếu nhìn bằng con mắt tích cực, mỗi ngày dẫu có những điều gì xảy ra, nhưng nếu như chúng ta cảm thấy biết ơn những người xung quanh thì chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc” – Ông Nam nói.

Do đó, ông Nam cho rằng, trước những áp lực học hành, thi cử, việc dạy sinh viên về hạnh phúc hay những kỹ năng mềm khác sẽ giúp người học có thể quản lý cảm xúc của bản thân, điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực để hướng đến những điều tích cực, từ đó xác định đúng mục tiêu của cuộc đời mình.

Mặc dù chỉ giảng dạy những số tiết ít ỏi trong một học kỳ, nhưng ThS Võ Đình Văn nói, những tiết học về hạnh phúc rất cần thiết trong chương trình học của mọi nhà trường.

“Giai đoạn phổ thông, chúng ta không ưu tiên cho hạnh phúc của những đứa trẻ, mà chỉ quan tâm đến kết quả hay thành tích qua mỗi học kỳ. Đến khi lên đại học, mối quan tâm và áp lực càng nhiều lên khiến sinh viên không còn cảm thấy cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa.

Do đó, ưu tiên của giáo dục không chỉ tạo ra những con người giỏi về chuyên môn để làm ra của cải, vật chất mà còn cần phải quan tâm đến đời sống tinh thần của người học, cốt yếu để tạo ra một con người hạnh phúc. Nếu sinh viên chỉ được học về các kỹ năng nghề nghiệp đơn thuần, họ sẽ chẳng khác nào những con robot không cảm xúc”.

Vì thế, trong tiết học “Thành công và hạnh phúc” của mình, vị giảng viên trẻ này đã cùng sinh viên bàn luận về các nội dung: “Thế nào là hạnh phúc?”; “Hạnh phúc đến từ đâu?”; “Làm thế nào để đạt được hạnh phúc?”;…. Sau đó, các em sẽ thực hành và luyện tập hàng ngày bằng các hoạt động như tập thiền chánh niệm, học cách tha thứ, bày tỏ lòng biết ơn với những người xung quanh hay đơn giản là làm một việc gì đó nhỏ nhoi để giúp đỡ người khác.

Cuối môn học, sinh viên phải thực hiện một dự án cá nhân thay vì các bài thi lý thuyết nặng nề.

“Có những dự án rất thú vị, ví dụ như sinh viên thiết kế ra dự án “Hạnh phúc 0 đồng” để tạo ra niềm vui trong học tập và cuộc sống. Tại đây, các em có thể viết những lời cảm ơn đến những người xung quanh. Ngày báo cáo dự án, đã có những em bật khóc và nói rằng, sau rất nhiều năm, các em mới có thể nói ra những điều chưa bao giờ dám thổ lộ với cha mẹ.

Điều chúng tôi mong muốn thông qua lớp học này là giúp sinh viên ưu tiên hơn cho “sức khỏe tâm lý” của mình, từ đó giúp các em luôn cảm thấy hạnh phúc và vững tâm hơn để tập trung vào công việc, học tập hay những bước đi trong những chặng đường tiếp theo”.

Và một điều quan trọng khác, những lớp học về hạnh phúc sẽ không đóng lại khi học kỳ kết thúc, mà nó vẫn mở ra để sinh viên tiếp tục lan tỏa giá trị của việc sống hạnh phúc.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đổi mới giáo dục

Các tin liên quan đến bài viết