Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, bà mẹ đơn thân Shawnie Bennett ở Oakland ở California (Mỹ) bị mất việc làm.

Cuộc sống của người mẹ trẻ càng khó khăn hơn khi chính quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa. Con gái 8 tuổi Xa’viar của cô phải học trực tuyến. Đến tháng 11 năm ngoái, Bennett đã đăng ký cho con tham gia các lớp học qua mạng do một nhóm phụ huynh tổ chức, và mỗi sáng thứ Bảy, em được học với gia sư. Bài kiểm tra trong tháng này, cho thấy các kỹ năng đọc của Xa’viar tiến bộ rất nhanh.

Covid-19 thúc đẩy cải cách giáo dục
Minh họa

Những bài học cuối tuần của Xa’viar nằm trong số các dịch vụ trực tuyến do nhóm vận động Oakland Reach cung cấp trong năm qua. Đồng sáng lập nhóm, Lakisha Young, cho biết chưa đầy 1/3 trẻ em da màu ở Oakland biết đọc ở cấp học của mình. Bà cho rằng, chính Covid-19 đã mang lại thời cơ để “tạo ra những điều mà chúng tôi chật vật phấn đấu nhằm đạt được” suốt nhiều năm qua.

Các biến cố lớn đôi khi làm thay đổi hoạt động học tập theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Chẳng hạn, sau khi cơn bão Katrina khiến New Orlean chìm trong lũ lụt hồi năm 2005, các nhà chức trách bang này đã bắt tay vào cải cách trường học. Kết quả là, 9 năm sau, tỷ lệ tốt nghiệp tăng 9-13 điểm phần trăm.

Gián đoạn và suy giảm chất lượng giáo dục

Covid-19 đang làm gián đoạn giáo dục ở quy mô chưa từng có tiền lệ. Đến giữa tháng 4/2020, hơn 90% học sinh trên thế giới không thể đến lớp. Các trường học đóng cửa, khiến việc giảng dạy và học tập bị đứt quãng.

Theo báo cáo giám sát của UNESCO, đại dịch thế kỷ đã khiến hoạt động học tập của hơn 1,7 tỷ học sinh, sinh viên ở 192 quốc gia bị gián đoạn. Sau một năm gần một năm đại dịch hoành hành, gần 50% tổng số học sinh trên thế giới vẫn chịu ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học. Trong khi đó, các giáo viên phải chuyển sang hình thức giảng dạy qua mạng, tập hợp các nền tảng dạy học trực tuyến và gác giáo án qua một bên.

Anh, Pháp và Ireland nằm trong số những quốc gia đã hủy bỏ các kỳ thi. Trong năm 2020, nhiều trường học ở Mỹ hoàn toàn bỏ qua điểm số, chỉ đánh giá đậu hoặc trượt.

Justin Reich, thành viên Phòng thí nghiệm Hệ thống Giảng dạy tại Viện Công nghệ Massachusetts, chỉ ra, đối với đại đa số các gia đình ở Mỹ, giảng dạy trực tuyến là “điều gì đó nằm giữa thất vọng và thảm họa”. Dữ liệu từ khắp thế giới cho thấy, trung bình, trẻ em học ít hơn nhiều so với thông thường.

Tính đến tháng 3/2021, học sinh tiểu học ở Anh học chậm gần ba tháng. Các cuộc kiểm tra vào mùa hè năm ngoái ở Bỉ cũng cho thấy độ trễ tương tự. Theo một nghiên cứu về học sinh ở Hà Lan, trong thời gian 8 tuần học trực tuyến nửa đầu năm 2020, học sinh trung bình không học được điều gì mới.

Những đứa trẻ kém may mắn càng phải gánh chịu nhiều tổn thất hơn.

Covid-19 thúc đẩy cải cách giáo dục
Biểu đồ thể hiện hoạt động học tập của học sinh trong thời kỳ Covid-19 theo khảo sát từ ngày 28/10 đến 17/11 năm 2020 ở một số nước. Số tháng phải nghỉ học và tính hiệu quả của học trực tuyến.

Các trường học phải đóng cửa kéo dài càng nêu bật tầm quan trọng của việc học trực tiếp đối với sức khỏe của trẻ cả về tinh thần lẫn thể chất. Thanh thiếu niên ở Italia ăn uống kém lành mạnh hơn. Báo cáo về các vụ lạm dụng giảm xuống, chỉ bởi vì giáo viên không trực tiếp nhìn thấy học sinh của mình bằng xương bằng thịt.

Yoshinaga Sakura, giáo viên tại một trường trung học cơ sở ở Numazu, miền trung Nhật Bản, cho biết, khi trường học đóng cửa, một số trẻ em phải ở nhà một mình vì cha mẹ phải đi làm. Các trường hợp tự làm hại bản thân ngày càng gia tăng. Theo Euan Morton, giáo viên trung học ở Melbourne, Australia, một số trẻ em học trực tuyến dường như kém hoàn thiện hơn trong hành vi và thái độ so với mong đợi.

Cơ hội cải cách, thúc đẩy đầu tư

Rõ ràng, Covid-19 đã làm cho giáo dục toàn cầu thay đổi sâu sắc, buộc đội ngũ làm giáo dục phải cải tổ và hoạch định các chương trình giảng dạy tương lai cho phù hợp với thực tế mới.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 càng khiến cho mối liên kết giữa giáo viên và phụ huynh thêm chặt chẽ. Trong thăm dò mới đây của Đại học Johns Hopkins, hơn một nửa lãnh đạo các trường học ở Mỹ xác nhận họ liên hệ với các bậc phụ huynh thường xuyên hơn so với trước đại dịch.

“Tôi chưa bao giờ nói chuyện nhiều với phụ huynh như trong năm vừa qua”, Katerine Dionne, giáo viên một trường công ở Connecticut, bày tỏ.

Đại dịch cũng thúc đẩy đưa công nghệ vào giáo dục. Victoria Richmond, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Anh, khẳng định “không có giải pháp nào khác” ngoài việc đầu tư vào máy tính. Học sinh của bà nay đã trở lại lớp học, song những chiếc máy tính bảng mà nhà trường phát cho học sinh vẫn rất hữu ích trong việc cung cấp bản dịch trực tiếp các bài học cho trẻ em mà ngôn ngữ mẹ đẻ không phải tiếng Anh.

Stephanie Downey Toledo ở quận Central Falls thuộc Rhode Island, Mỹ, phản ánh thực tế các trường học nơi đây đang tăng mạnh đầu tư vào công nghệ. Một trong những ngôi trường trên địa bàn vừa trang bị một máy phát trên mái nhà để truyền băng thông rộng đến những ngôi nhà không có kết nối mạng tốt.

Theo nhóm nghiên cứu Holon IQ, đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ giáo dục đã tăng hơn gấp đôi từ 7 tỷ USD năm 2019 lên khoảng 16 tỷ USD trong năm 2020.

Covid-19 thúc đẩy cải cách giáo dục
Điểm PISA về đọc hiểu ở lứa học sinh 15-16 tuổi tại một số nước được lựa chọn (600 điểm là mức cao nhất). Bên phải là số ngày trường đóng cửa trong năm 2020. PISA là Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế của tổ chức OECD về toán, khoa học và đọc hiểu.

Trong khi đó, một số trẻ em dường như đạt thành tích tốt hơn khi học từ xa, bao gồm cả những em hay lo lắng hoặc thường bị bắt nạt ở trường. Một số học sinh ngại nói trong lớp bớt e dè hơn khi phát biểu trực tuyến.

Theo Jal Mehta thuộc Đại học Harvard, học tập trực tuyến có lẽ đã giúp một số trẻ em thông minh có động cơ học tập tốt hơn. Neema Avashia, một giáo viên ở Boston, phản ánh thực tế học sinh tham gia lớp học trực tuyến đầy đủ hơn so với trực tiếp đến trường vì tất cả những việc các em cần phải làm chỉ là bật máy tính, không lo bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thời tiết hay sức khỏe.

Những trải nghiệm thời đại dịch thế kỷ càng khuyến khích các nhà cải cách thúc giục các trường học phải phát huy vai trò nhiều hơn nữa để phát triển khả năng phục hồi ở trẻ, nhằm giúp các em đương đầu với những cú sốc.

Andreas Schleicher thuộc tổ chức OECD chỉ ra rằng, những học sinh bị giáo viên nhồi nhét kiến thức ở trường trước đại dịch là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong học tập trực tuyến. Ông cho rằng, các trường học nên giúp trẻ học tập một cách độc lập, để sẵn sàng cho một tương lai mà sự gián đoạn công nghệ buộc các chuyên gia phải đào tạo lại thường xuyên.

Có rất nhiều lý do để tin rằng các trường học khó có thể phục hồi hoàn toàn và nhanh chóng sau đại dịch, như giáo viên kiệt sức, các chính phủ phải thắt lưng buộc bụng, phụ huynh phải cân đối giữa công việc với trách nhiệm giám sát và giáo dục con… Mặc dù vậy, sự chuyển đổi sang hình thức học tập trực tuyến đã chứng minh các trường học có khả năng thay đổi ngoạn mục.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cải cách giáo dụcCovid-19 Thế Giới

Các tin liên quan đến bài viết