Hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19 bớt đi trong ngăn ngừa biến thể Delta, nhưng vẫn giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm.
Theo một nghiên cứu mới vừa được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố, hiệu quả của vắc xin chống Covid-19 giảm từ 91% xuống còn 66% khi biến thể Delta thống trị xu hướng lây nhiễm.
Một phụ nữ được tiêm vắc xin Covid-19 ở Mỹ. |
“Chúng ta đã chứng kiến sự giảm bớt mức độ bảo vệ của vắc xin Covid-19 trước biến thể Delta, nhưng vắc xin vẫn làm giảm 2/3 nguy cơ nhiễm bệnh”, tác giả nghiên cứu Ashley Fowlkes, một nhà dịch tễ học thuộc Cơ quan Ứng phó khẩn cấp Covid-19 của CDC trao đổi với CNN.
Vị chuyên gia này khuyến cáo mọi người “nên tiếp tục sử dụng khẩu trang trong một thời gian nữa”.
Nghiên cứu mới kể trên cũng phù hợp với những nghiên cứu khác từ Mỹ và khắp nơi trên thế giới cho thấy, xu hướng gia tăng của biến thể Delta gây ra phần lớn các ca nhiễm thể nhẹ ở những người đã được tiêm ngừa đầy đủ.
Tuy nhiên, hiệu quả của vắc-xin chống lại tình trạng bệnh nặng – bao gồm cả nhập viện và tử vong – vẫn rất cao đối với tất cả những biến thể virus đã được biết đến.
“Vào ngày 25/7, tỷ lệ nhiễm và nhập viện trong số những người chưa tiêm chủng cao hơn lần lượt là 4,9 và 29,2 lần so với những người đã tiêm đủ”, nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan y tế công Los Angeles viết trong nghiên cứu được CDC công bố.
Theo kết quả một nghiên cứu tách biệt, một người đã tiêm đủ vắc xin mà nhiễm Covid-19 sẽ ít có khả năng lan truyền bệnh.
Dữ liệu của CDC cho thấy, đến nay, khoảng 51,5% dân số Mỹ đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Nhiều người vẫn tỏ ra e ngại với vắc xin khiến chính quyền phải dùng nhiều biện pháp để thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nữa.
Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ – nhận định, nếu “đa số áp đảo” người dân làm được như vậy thì nước này có thể kiểm soát được đại dịch vào mùa xuân năm 2022.
Nguồn: vietnamnet