Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 80/NĐ-CP, ngày 16-9-2011 của Chính phủ về việc quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Bình Phước đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ngày được nâng cao. Nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể đã tham gia có trách nhiệm vào công tác quản lý, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần giữ vững an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
TRÁCH NHIỆM CỦA TOÀN XÃ HỘI
Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã tổ chức 4.857 buổi tuyên truyền công khai và tư vấn tái hòa nhập cộng đồng với 123.462 người tham gia. Lồng ghép tuyên truyền trong chuyên mục “Pháp luật và đời sống”, “An ninh Bình Phước” qua đài phát thanh tại các khu dân cư được 345 buổi. Đăng tải trên các kênh thông tin đại chúng 32 bài viết liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng đồng và những điển hình tiên tiến thực hiện tốt Nghị định số 80.
Hai anh Nguyễn Văn Thắng và Đào Bỉnh Khiêm (thứ 2 và thứ 3 từ trái qua) được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong công tác tái hòa nhập cộng đồng
Lực lượng Công an tỉnh đã đưa nội dung tái hòa nhập cộng đồng vào chương trình giảng dạy, tập huấn cho trưởng, phó công an các xã, phường, thị trấn và chiến sĩ mới. Hội liên hiệp thanh niên các cấp đã thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) nhằm giúp những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, đã có 8/11 huyện, thị xã thành lập được CLB thu hút đông thanh niên tham gia. Tiêu biểu CLB “Vì ngày mai tươi sáng” của Thị đoàn Bình Long gồm 23 thành viên, trong đó có 6 thành viên là những người đã hoàn lương. CLB thường xuyên tổ chức phiên tòa giả định về các tội danh như: Trộm cắp, cố ý gây thương tích, bạo lực học đường, đánh bạc… Qua đó giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên thanh niên và người dân trên địa bàn.
NHIỀU GIẢI PHÁP TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG
Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận 3.615 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó đang quản lý 2.621 người và 994 người đã lập danh sách đề nghị đưa ra khỏi diện quản lý, giáo dục.
Huyện Bù Đăng có 319 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống. Trong đó đã lập hồ sơ quản lý 137 người và phối hợp chính quyền các xã, thị trấn rà soát, phân loại xử lý lập hồ sơ 182 người còn lại theo quy định. Trung tá Chế Tuân, Phó đội trưởng Đội an ninh trật tự, Công an huyện Bù Đăng cho biết: Để giúp những người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống ổn định, chúng tôi đã tạo điều kiện cấp đổi 11 giấy chứng minh nhân dân. Hướng dẫn các thủ tục đăng ký hộ khẩu, xóa án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 36 người. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên tiếp xúc, tích cực động viên họ chăm chỉ lao động sản xuất và vận động doanh nghiệp tiếp nhận tạo việc làm. Đến nay, toàn huyện có 287/319 người có việc làm. Trong số 32 người chưa có việc làm, có 3 người hết tuổi lao động, 12 người không có đất sản xuất… Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các hội, đoàn thể hỗ trợ vay vốn, dạy nghề cho những người có nhu cầu để họ ổn định cuộc sống.
Năm 2016, anh Đào Bỉnh Khiêm (1982) ở thôn Sơn Quý, xã Phú Sơn (Bù Đăng) chấp hành xong án phạt 15 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trở về địa phương với nhiều mặc cảm. Được chính quyền động viên, anh Khiêm đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh Khiêm cùng anh Nguyễn Văn Thắng (1987) cũng là người chấp hành xong án phạt 6 tháng tù vì tội bắt giữ người trái phép, cùng thôn góp vốn làm ăn. Họ cùng nhau mở dịch vụ san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, đào ao tưới tiêu… cho những người có nhu cầu. Bằng sự cố gắng, tận tụy với công việc nên người dân rất tin tưởng. Công việc ổn định, anh Khiêm và anh Thắng có điều kiện lo cho gia đình; đồng thời tạo việc làm cho 4 thanh niên lầm lỗi với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, vấn đề khó nhất để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng chính là giải quyết việc làm. Mặc dù tỉnh đã có đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015, mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động, trong đó có cả những người chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên, do người tái hòa nhập còn mặc cảm, sống khép kín nên khó xác định số người cần giới thiệu việc làm, học nghề hay hỗ trợ vay vốn sản xuất.
Một số địa bàn không có nhiều doanh nghiệp, công ty hoạt động nên việc giới thiệu tìm việc làm rất khó. Một số doanh nghiệp khi tuyển công nhân có yêu cầu xác nhận lý lịch thì những người chưa xóa án tích khó vào làm việc. Vì vậy, nhiều người sau khi ra tù không tìm được việc làm nên bị kẻ xấu lợi dụng dẫn tới tái phạm, cụ thể từ năm 2012 đến nay trên địa bàn tỉnh có 326 người tái phạm. Một số người sau khi ra tù không về đúng địa chỉ đã đăng ký, không khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú. Nhiều trường hợp đi làm xa không khai báo đăng ký tạm trú, tạm vắng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, nhận xét để thực hiện xóa án tích.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 80 của Chính phủ, ngày 6-6, Đại tá Võ Hùng Minh, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết: Việc thực hiện chính sách cho người tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật còn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người chấp hành xong án phạt tù. Vì vậy, Công an tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, thống kê số người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương để có biện pháp đảm bảo tái hòa nhập. Bên cạnh đó, các ngành, UBND huyện, thị quan tâm hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Nguồn Báo Bình Phước