Đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến mọi chuyện biến đổi còn mạnh hơn cả ý chí. Đây phải là giai đoạn doanh nghiệp cùng chung tay giải quyết vấn đề này.
Biến động chưa có tiền lệ
Khảo sát nhanh các doanh nghiệp qua hội thảo trực tuyến “FPT eCovax – Liệu pháp số vượt dịch cho doanh nghiệp” cho thấy, 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại thời điểm này là năng suất suy giảm khi làm việc từ xa (43%); Ùn ứ giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng khi làm việc từ xa (20%) và Gián đoạn liên lạc, trao đổi công việc (13%).
Một vấn đề quan trọng nhất mà các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, đó là không biết dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào, phải đối phó ra sao?
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Thể thao Động Lực, cho hay, hơn 1 năm qua, lần đầu tiên công ty phải đối mặt với những biến động chưa từng có tiền lệ trong suốt 32 năm hoạt động. Dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát khiến doanh số sụt giảm, nhiều kế hoạch, chiến lược… đến giờ phút này bị phá vỡ.
Các cửa hàng phải đóng cửa theo các chỉ thị giãn cách, doanh nghiệp chỉ có thể tương tác với khách hàng qua các kênh online, mạng xã hội, zalo, sàn thương mại điện tử,… Việc tìm kiếm khách hàng cũng chỉ có thể thực hiện qua các nền tảng này.
Dịch bệnh khiến doanh nghiệp từ bán hàng offline phải chuyển qua online. “Đây là giai đoạn rất khó khăn, bởi từ trước tới nay, đa phần chỉ tiếp cận khách hàng một cách trực tiếp. Sắp tới, mọi việc đều phải tiến hành online”, vị chủ tịch chia sẻ.
Ảnh hưởng của đại dịch tới doanh nghiệp |
Theo ông Thành, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số. Đầu tiên là xây dựng trang web mới cho thị trường ngách, kể cả trang web có từ lâu cũng làm lại. Bên cạnh đó, xây dựng ứng dụng bán hàng online với các đại lý, phối hợp để cùng họ bán hàng tới từng khách hàng. Đây chính là vấn đề sống còn của công ty.
Việc marketing và bán hàng chủ yếu trong thời gian tới là bán hàng online thông qua marketing, tương tác trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Cũng gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, ông Đỗ Thành Nam, Giám đốc Vận hành thẻ và Ngân hàng số, Ngân hàng Vietbank, cho hay, Vietbank cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Nhân sự trực tuyến ở nhà thì không có đủ thiết bị và công cụ, dụng cụ làm việc; công tác trình ký và tương tác các phòng ban cũng khó khăn. Một số dịch vụ buộc phải có người như tiếp tiền ATM, sản xuất thẻ,… thì tiến độ chậm hơn do thiếu nhân sự.
Thứ hai, với các hoạt động cung cấp cho khách hàng, do đại dịch, tâm lý khách hàng e ngại, lượng tiền gửi vào ít mà lượng cho vay ra cũng sụt giảm. Điều này ảnh hưởng tới tăng trưởng doanh số. Việc tương tác với khách hàng cũng gặp khó khăn. Ngân hàng tìm mọi cách để trao đổi với khách hàng qua các kênh như zalo, chat, nền tảng xã hội, nhưng chủ yếu là gọi di động, điều này cũng gây tốn kém.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y tế nhưng dịch bệnh cũng gây áp lực cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trí Anh, Tổng giám đốc MED-GROUP, chia sẻ, số lượng khách hàng tăng đột biến.
“Có 2 khó khăn mà chúng tôi phải đối diện: thứ nhất là phải đảm bảo an toàn cho cả người lao động, lực lượng y bác sỹ cũng như các khách hàng/bệnh nhân; thứ hai là tổ chức hoạt động thông suốt, hiệu quả khi khối lượng công việc tăng đột biến”, ông nói.
Nếu không có sự hỗ trợ từ công nghệ thì doanh nghiệp cũng khó tồn tại được đến giờ. Ngay cả khi đã tiến hành chuyển đổi số và áp dụng công nghệ, áp lực lên hệ thống vẫn lớn. Trung bình một ngày, đơn vị này xét nghiệm 20.000-40.000 mẫu, gấp 5 lần công suất bình thường. Chưa kể có thêm 20.000 mẫu xét nghiệm khác tại các địa phương.
“Đến thời điểm này, khi dịch bệnh ngày càng căng thẳng, tôi tin mọi người và các doanh nghiệp đều cảm nhận được sự quan trọng của công nghệ”, ông Trí Anh thừa nhận.
Tăng tốc chuyển đổi số
Đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp để vượt khó khăn trong bối cảnh Covid-19, từ kinh nghiệm của Vietbank, ông Đỗ Thành Nam cho biết ban lãnh đạo đã có lộ trình số hoá ngân hàng đến giai đoạn 2025-2030. Hiện tại, do dịch bùng phát, công cuộc số hoá càng được đẩy nhanh hơn nữa.
Danh nghiệp kích hoạt chuyển đổi số |
Kể từ khi dịch bùng phát, các ngân hàng tung ra nhiều sản phẩm dịch vụ như rút tiền mặt không dùng thẻ, định danh điện tử (eKYC), các sản phẩm trên nền tảng xã hội,… Ngoài những việc đã làm trước đại dịch, ngân hàng này còn hoàn thành ứng dụng ngân hàng, phục vụ tất cả các nhu cầu của khách, thay thế được 70-80% dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Nhiều sản phẩm số mới như mở thẻ, mở tài khoản trực tuyến, công nghệ thẻ không tiếp xúc, phát triển bảo mật thẻ phiên bản cao nhất. Đồng thời, hợp tác với các sàn thương mại điện tử và nhà bán hàng để khách hàng không cần tới tận nơi mua hàng mà có thể hoàn toàn mua sắm trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc khối CNTT, Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH, doanh nghiệp sẽ tiếp tục kiên trì và đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, trong đại dịch cần đẩy nhanh hơn nữa.
Với khách hàng đầu cuối, triển khai hệ thống chăm sóc khách hàng, nắm bắt nhu cầu khách hàng tốt hơn, truyền thông trực tiếp tới khách hàng. Đẩy mạnh thương mại điện tử, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử, đẩy mạnh kinh doanh. Đẩy mạnh thanh toán online, liên kết với ví điện tự, với các cổng thanh toán điện tử.
Ở góc độ tư vấn, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT, cho rằng, FPT không phải là ngoại lệ trong đại dịch, doanh nghiệp cũng đối diện nhiều thử thách khi hoạt động. Đây chính là thời điểm để doanh nghiệp rà soát lại các vấn đề và tập trung giải quyết, để sau này không cần phải nhìn lại nữa. Trong đó, áp dụng công nghệ là một thành tố quan trọng.
Theo ông Khoa, với doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ thì cần xác định công việc nào then chốt nhất hiện nay. Thường khi tiếp cận với công ty công nghệ, họ sẽ giới thiệu rất nhiều chương trình, rất nhiều giải pháp công nghệ cao, nhưng cần xác định yếu tố cấp thiết nhất.
“Tôi khuyến nghị doanh nghiệp bỏ ra 1 triệu/tháng, 3 triệu/tháng để dùng thử các sản phẩm SaaS. Chỉ cần đăng ký và dùng ngay, không tốn nhiều thời gian. Việc này giống như mua một chiếc ô tô, không cần phải là một chiếc đắt tiền, quan trọng là chúng ta sử dụng dụng như thế nào để mang lại kết quả tốt”, ông nói.
Nguồn: vietnamnet