Chính phủ Mỹ thông báo từ ngày 20-9 sẽ tiêm liều bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech và Moderna tối thiểu 8 tháng trước đó.

Mũi vắc xin COVID-19 bổ sung: WHO phản đối, nhiều nước vẫn tiêm - Ảnh 1.

Bác sĩ Fuad al-Sana (bìa phải) giải thích lợi ích của việc tiêm liều vắc xin bổ sung cho một phụ nữ tại phòng khám ở thành phố Rahat, Israel ngày 17-8 

Theo giới chức y tế Mỹ, quyết định này dựa trên dữ liệu nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin bắt đầu giảm dần theo thời gian.

Trước đó, nhiều nước như Anh, Pháp, Đức và Israel cũng đã quyết định tiêm liều thứ ba cho người già và người suy giảm miễn dịch trong bối cảnh gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta.

Hiệu quả vắc xin giảm

“Chúng tôi kết luận là cần có một liều bổ sung để tối đa hóa khả năng bảo vệ của vắc xin và kéo dài khả năng đó”, thông báo chung của giới chức y tế Mỹ – trong đó có giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ Rochelle Walensky và tổng y sĩ Vivek Murthy nêu.

Theo Hãng tin Reuters, các nhân viên y tế, người sống tại các viện dưỡng lão, người già và nhóm đã tiêm ngừa từ cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ được ưu tiên tiêm liều thứ ba tại Mỹ.

Mỹ dự kiến phân phối miễn phí 100 triệu liều bổ sung tại khoảng 80.000 điểm tiêm trên cả nước. Ngoài ra, những người tiêm vắc xin một liều Johnson & Johnson cũng có thể cần tiêm bổ sung. Trước đó, ngày 12-8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cho phép tiêm liều bổ sung với những người suy giảm miễn dịch.

Có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19 giảm dần từ sau 6 tháng trở lên, đặc biệt ở người già có bệnh nền. Theo Hãng tin AP, CDC Mỹ công bố một số nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn biến thể Delta bùng phát mạnh để củng cố cho quyết định tiêm liều thứ ba.

Theo đó, một nghiên cứu tại bang New York cho thấy hiệu quả của vắc xin đã giảm từ khoảng 92% hồi tháng 5 xuống khoảng 80% thời gian gần đây.

Bà Walensky cũng thừa nhận vắc xin nói chung kém hiệu quả hơn với biến thể Delta sau khi dẫn một nghiên cứu khác tại gần 15.000 viện dưỡng lão Mỹ cho thấy hiệu quả phòng biến thể này giảm còn 53% trong tháng 6 và 7.

Nghiên cứu của ĐH Oxford (Anh) công bố ngày 18-8 khẳng định vắc xin nói chung vẫn hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ trở nặng và nhập viện nhưng giảm tác dụng trong ngăn ngừa lây nhiễm.

Cụ thể, nghiên cứu của ĐH Oxford cho thấy hiệu quả sau hai tuần tiêm liều vắc xin thứ hai của Pfizer hay AstraZeneca giảm xuống lần lượt còn 85% và 68%, sau ba tháng còn 75% và 61%.

Tháng trước, Israel bắt đầu tiêm liều thứ ba cho người trên 50 tuổi, cũng với lý do để đối phó với số ca bệnh tăng vì biến thể Delta. Theo báo Times of Israel ngày 18-8, nhiều khả năng Israel sẽ mở rộng chương trình tiêm liều bổ sung cho những người từ 12 tuổi trở lên từ tháng 9.

Dữ liệu ban đầu từ chương trình tiêm bổ sung ở Israel cho thấy kết quả nhiều hứa hẹn. Cụ thể, liều vắc xin thứ ba của Pfizer có hiệu quả phòng bệnh 86% ở người trên 60 tuổi. Một số quan chức y tế nước này dự đoán tiêm liều bổ sung cho toàn dân sẽ giúp giảm mạnh số ca bệnh mới trên cả nước.

Chúng ta đang định phát thêm áo phao cho người đã có nó, trong khi bỏ mặc những người khác chết đuối mà không có cái nào.

Giám đốc khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói ngày 18-8, khi đề cập kế hoạch tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường của Mỹ.

WHO lên án liều bổ sung

Theo Hãng tin AFP, Mỹ chính thức thông báo kế hoạch tiêm liều bổ sung không lâu sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên án những nước giàu chọn phương án này trong khi còn rất nhiều nước thiếu vắc xin.

Theo WHO, dữ liệu hiện nay cho thấy chưa cần tiêm liều tăng cường. Nếu tất cả các nước giàu quyết định tiêm bổ sung cho người trên 50 tuổi, họ sẽ cần thêm gần 1 tỉ liều nữa.

Trong khi đó, những tháng qua chương trình COVAX đang chật vật tìm nguồn cung vắc xin. Nhiều nước nghèo phải tạm dừng chương trình tiêm chủng do chưa được phân phối thêm vắc xin. COVAX muốn phân phối 1,5 tỉ liều cho các nước thu nhập thấp và trung bình trước cuối năm nay, nhưng đến nay cơ chế này chỉ mới phân bổ được 208 triệu liều do thiếu hụt nguồn cung.

Theo Đài CNBC, ông Lawrence Gostin – giám đốc Viện Nghiên cứu luật y tế quốc gia và quốc tế thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) – gọi kế hoạch tiêm liều thứ ba của Mỹ là “cú tát vào mặt” WHO.

“Vẫn có cách tốt hơn để đôi bên cùng có lợi. Chúng ta chỉ nên tiêm bổ sung cho nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương. Đồng thời, (Tổng thống) Biden nên cam kết một chiến dịch táo bạo để tiêm chủng cho thế giới, trong đó đẩy mạnh việc tặng và sản xuất vắc xin” – ông Gostin nói.

Anh phê duyệt vắc xin Moderna, Pfizer cho trẻ em

Cơ quan Quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Chính phủ Anh ngày 17-8 đã phê duyệt vắc xin COVID-19 của Moderna cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Theo báo Independent, MHRA cho biết không phát hiện tác dụng phụ mới nào ở vắc xin Moderna, và dữ liệu thử nghiệm vắc xin ở trẻ là an toàn sau khi so sánh với dữ liệu thử nghiệm ở người trưởng thành. Hai tháng trước, Anh đã phê duyệt vắcxin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Liều thứ 3Mũi 3Mũi bổ sungWHO

Các tin liên quan đến bài viết