Giá lợn sống trên toàn quốc dao động từ 51.000-55.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019. Song giá thịt lợn tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống vẫn cao.
Tin từ Bộ Công Thương, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi.
Giá lợn sống trên toàn quốc hiện dao động trong khoảng 51.000-55.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.
Giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm |
Tương tự, giá gà thịt tại các tỉnh, thành phố phía Nam cũng có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên nhu cầu giảm, việc vận chuyển cũng gặp khó khăn.
Điều đáng nói, dù giá lợn sống giảm mạnh, nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, siêu thị mini, chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển.
Các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan dịch Covid-19 tại TP HCM khiến đầu ra của các trại nuôi lợn tại Đồng Nai gặp khó. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến nhiều hộ phải bán sớm cắt lỗ. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá cám lên cao, ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn lợn.
Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm 2021, dịch tả lợn châu Phi còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; trong khi chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao… sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước sau khi sản lượng thịt gia súc, gia cầm tăng trong 6 tháng đầu năm.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt gia súc và gia cầm đạt 3.226,3 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thịt bò xuất chuồng đạt 231 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 60,9 nghìn tấn, giảm 3,1%; sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt 2.002,2 nghìn tấn, tăng 11,6%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 932,2 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, sản lượng thịt gia súc và gia cầm trong quý III/2021 đạt khoảng 1.387,6 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 91 nghìn tấn, tăng 6,9%; sản lượng thịt trâu đạt khoảng 19,6 nghìn tấn, giảm 2%; sản lượng thịt lợn đạt khoảng 884 nghìn tấn, tăng 4,5%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 393 nghìn tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi 6 tháng cuối năm 2021 được dự báo sẽ giảm so với 6 tháng đầu năm 2021.
Đáng chú ý, mặc dù quy mô chăn nuôi lợn của Việt Nam đã gần phục hồi bằng mức trước dịch tả lợn, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn do vẫn còn thâm hụt cung – cầu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 379,64 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 750,7 triệu USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 53,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu bình quân đạt 1.977 USD/tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Công Thương cho hay, hiện Nga vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 33,86 nghìn tấn, trị giá 93,38 triệu USD, tăng tới 414,1% về lượng và tăng 405% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.757 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: vietnamnet