Một nghiên cứu mới đánh giá vắc xin Moderna đạt hiệu quả cao nhất trong việc chống lại biến thể Delta đang lan tràn khắp các quốc gia.
Hiện tại, 31,4% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 và 23,6% được tiêm chủng đầy đủ. Mỗi ngày, có tổng cộng 35,64 triệu liều được tiêm. Tuy nhiên, chỉ 1,3% người dân ở các nước thu nhập thấp đã tiêm ít nhất 1 liều.
Không vắc xin nào hiệu quả 100%, nhưng các loại hiện nay đã được chứng minh có thể ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện.
Vắc xin là chìa khóa quan trọng ngăn ngừa bệnh nhân Covid-19 trở nặng
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ phát hiện ra rằng vắc xin Pfizer chỉ có 42% hiệu quả chống lại chủng Delta. Trong khi đó, vắc xin Moderna vượt trội hơn với hiệu quả 76% trước biến thể Delta.
Các nhà nghiên cứu của Mayo Clinic đánh giá: “Các thử nghiệm lâm sàng và khảo sát thực tế đã khẳng định tính hiệu quả và an toàn của của vắc xin. Tuy nhiên, ghi nhận về những ca Covid-19 ở người đã chủng ngừa và sự xuất hiện dai dẳng của các biến thể mới cho thấy sự cần thiết phải theo dõi hiệu quả của các loại vắc xin này”.
Các chuyên gia đã thu thập dữ liệu của 25.000 cư dân bang Minnesota (Mỹ) từ tháng 1 đến tháng 7/2021.
Trong 6 tháng đầu tiên, vắc xin đạt hiệu quả cao, có khả năng bảo vệ cơ thể khoảng 90% trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Nhưng sang tháng 6, hiệu quả của vắc xin bắt đầu giảm và tháng 7 giảm sâu hơn khi chủng Delta trở nên phổ biến ở Mỹ.
Vào tháng 5, chỉ có 0,7% ca nhiễm ở bang Minnesota liên quan tới biến thể Delta. Nhưng sang tháng 6, con số này đã lên tới 70%.
Các chuyên gia nhấn mạnh mặc dù các ca bệnh ở người đã tiêm chủng gia tăng, vắc xin vẫn ngăn ngừa được các trường hợp trở nặng phải nhập viện.
Một nghiên cứu được thực hiện ở Israel cũng cho thấy, vắc xin Pfizer kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta so với chủng gốc và các biến thể khác. Hiệu quả trong việc ngăn chặn các trường hợp nhiễm Delta có triệu chứng giảm xuống còn 64%.
Nhưng vắc xin trên vẫn có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng hoặc nhập viện.
Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy sau 1 liều, vắc xin Pfizer có 36% hiệu quả chống lại bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta. Chỉ số này ở vắc xin AstraZeneca là 30%.
Bộ Y tế Israel đã công bố thống kê trên sau khi tình trạng nhiễm Covid-19 gia tăng. Hiện nước này đã có hơn 62% dân số tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Người phát ngôn của hãng Pfizer từ chối bình luận về dữ liệu từ Israel. Nhưng người này trích dẫn nghiên cứu khác cho thấy các kháng thể tạo ra từ vắc xin vẫn có thể vô hiệu hóa nhiều biến thể, bao gồm cả Delta, mặc dù mức độ giảm.
Nguồn: vietnamnet