Phải đưa đội ngũ thương lái vào hệ thống quản lý, coi họ là đối tác đồng hành. Nếu thương lái không xuống được cánh đồng để thu mua nông sản vận chuyển về nhà máy thì doanh nghiệp cũng gặp khó.
Báo cáo về tình hình sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại khu vực phía Nam, Tổ Công tác 970 (Bộ NN-PTNT) cho biết, hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản dần đi vào ổn định. Giá một số mặt hàng thuỷ sản, giá gia cầm, thịt lợn bắt đầu tăng trở lại.
Tính đến ngày 16/8, có gần 1.200 đầu mối cung ứng nông sản, thực phẩm đăng ký tiêu thụ qua Tổ Công tác. Trang web kết nối cung cầu sản phẩm của đơn vị này có 1.009 đơn vị đăng ký bán, 206 đơn vị đăng ký mua, 47 cơ quan hỗ trợ của nhà nước và 39 tổ chức hỗ trợ mua bán cho nông dân. Hầu như nông sản có chứng nhận VietGAP, hay cao hơn khi đăng ký đầu mối qua Tổ Công tác, đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng có chất lượng VietGAP để bán.
Thay bằng đến trực tiếp vùng sản xuất để mua bán nông sản, có thể kết nối trực tuyến thông qua website, sàn thương mại |
Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL cho biết, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản gần đây đã tạm ổn, không còn tình trạng ùn ứ như thời điểm mới giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc vận chuyển vẫn gặp khó khăn, kéo theo công tác thu hoạch, thu mua cũng gặp khó. Do đó, giá các mặt hàng nông sản dù đã nhích lên nhưng vẫn chưa trở về mức giá kỳ vọng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp chưa từng trải qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản bị đứt gãy một cách nghiêm trọng. Song, đây là dịp để cúng ta nhìn lại câu chuyện kết nối cung cầu. Không chỉ chú trọng vào sản xuất, làm ra sản lượng lớn mà còn phải tăng tính kết nối. Ngoài xử lý tình huống hiện tại, chúng ta phải thay đổi trong tư duy kết nối cung cầu”.
Đánh giá cao sáng kiến của Tổ Công tác 970 về việc thí điểm mô hình sàn giao dịch nông sản vừa sản xuất, vừa tiêu thụ, Bộ trưởng yêu cầu triển khai nhanh mô hình này để các tỉnh cập nhật thông tin, biết trong khâu cung ứng tắc ở chỗ nào. Thông qua sàn kết nối trực tuyến, doanh nghiệp cũng không cần tới trực tiếp vùng nguyên liệu mà vẫn nắm bắt được tình hình sản xuất, mua bán nông sản. Trên sàn nông sản trực tuyến này sẽ để doanh nghiệp, HTX cùng tham gia, cùng cho ý kiến về hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong lãnh đạo các địa phương quan tâm hơn tới đội ngũ thương lái thu mua nông sản |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhắc lại câu chuyện nền nông nghiệp mù mờ, mù mờ về thông tin, mù mờ về dữ liệu. Song, nếu chúng ta làm được sàn kết nối tiêu thụ nông sản thì sẽ minh bạch được mọi thông tin từ sản xuất tới thị trường. Từ đó, dự báo trước được các tình huống có thể xảy ra.
Nói về con đường lưu thông nông sản của ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, 13 tỉnh ở khu vực này là một hệ sinh thái có sự kết nối chặt chẽ, không tách rời. Ví như, con cá tra giống được sản xuất ở Long An nhưng cung cấp cho 7 tỉnh trong vùng; hay thương lái của Cần Thơ đi mua lúa ở Hậu Giang, Đồng Tháp, còn thương lái ở Đồng tháp thì thu mua hành tăm tận Cà Mau…
Bộ trưởng gợi ý, các tỉnh tập hợp đội ngũ thương lái ở các địa phương thành các nhóm. Về lâu dài, sẽ đưa đội ngũ thương lái vào hệ thống quản lý như một đối tác đồng hành, chứ không phải có chuyện gì cũng nói “trăm dâu mà đổ đầu tằm” rằng thương lái ép giá nông sản.
“Lúc này là lúc chúng ta cần tới thương lái. Chúng ta phải quan tâm chú ý tới cả đội ngũ thương lái chứ đừng chỉ chú ý tới mỗi doanh nghiệp. Nếu đội ngũ này không đi xuống được những cánh đồng để thu mua nông sản vận chuyển về nhà máy thì doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó khăn”, Bộ trưởng nói.
Nguồn: vietnamnet