Khi Hà Nội bắt đầu xét nghiệm diện rộng lên tới 3,3 triệu mẫu, có ý kiến cho rằng, chi phí khá đắt đỏ, tăng nguy cơ lây nhiễm, lặp lại vết xe của TP.HCM và sẽ không sàng lọc hết những ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Ở góc độ nào đó, nhận xét ấy góp phần cảnh báo những lỗ hổng mà chiến dịch truy vết có thể sa vào. Tuy nhiên, chiến dịch xét nghiệm diện rộng là cần thiết và không thể đảo ngược.

Chiến dịch xét nghiệm đáng giá

Mức độ lây lan dịch bệnh của Hà Nội hiện nay khác xa TP.HCM cách đây 2 tháng. Hà Nội vẫn ghi nhận trung bình 60-80 ca mắc mới/ngày, có nhiều ca bệnh trong cộng đồng và chưa xác định được nguồn lây. Đến nay, Thủ đô đã ghi nhận 1.890 ca dương tính, phần lớn trong cộng đồng.

Con đường chống dịch của Hà Nội
Lấy mẫu xét nghiệm tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. 

Trước thực tế này, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói: “Nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn nữa thì Hà Nội tiếp tục có nguy cơ bùng phát dịch”.

“Do đó, việc tổ chức xét nghiệm diện rộng là nhằm để chủ động tìm và bóc tách triệt để F0, không để dịch lây lan, bùng phát”, ông bổ sung thêm.

Sau khi lấy được hơn 200.000 mẫu ở  những khu vực nguy cơ cao, chỉ phát hiện được 17 mẫu dương tính với SARS-CoV-2, một tỷ lệ rất nhỏ.

Ai đó sẽ hỏi, vậy chi phí lớn, xét nghiệm rộng mà chỉ phát hiện ra tỷ lệ nhỏ thì có đáng?

Tôi nghĩ đây là chiến dịch xét nghiệm đáng giá, và tỷ lệ dương tính nhỏ được phát hiện là đáng mừng theo nghĩa, dịch bệnh ở Thủ đô đến nay vẫn trong vòng kiểm soát. Không thể chủ quan với chủng Delta với hệ số lây nhiễm R0 quá cao đang làm khuynh đảo thế giới, làm các nền kinh tế liên tiếp phải phong tỏa kiệt quệ.

Người dân và doanh nghiệp Hà Nội cũng đã chịu phong tỏa theo Chỉ thị 16 gần 1 tháng, sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tôi chú ý đến một điểm mà ông Đinh Tiến Dũng giải thích: Lúc này, giãn cách xã hội là “biện pháp quan trọng nhất” để dập tắt các ổ dịch, bảo vệ sức khỏe an toàn tính mạng nhân dân.

Thủ đô đã áp dụng Chỉ thị 15, 16 từ rất sớm và cả lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân nghiêm chỉnh chấp hành. Người dân và doanh nghiệp đang phải thắt lưng buộc bụng, câu giờ để bảo vệ mình để chờ “vũ khí” vắc xin.

Vũ khí đó Hà Nội đang thiếu lắm.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Bộ Y tế cho biết đã phân bổ 2.944.710 liều vắc xin cho Hà Nội, và Hà Nội đã hoàn thành tiêm 1.829.641 liều. Nhìn những con số này thì việc cung ứng vắc xin cho Thủ đô là khá dồi dào trong bối cảnh khoảng 19 triệu liều vắc xin đã về Việt Nam tính đến 10/8.

Song, thực tế lại khác xa.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, cuối tuần qua, TP tiếp tục được phân bổ thêm 584.884 liều của Bộ Y tế và hiện TP đã tiếp nhận 1.635.500 liều vắc xin. Tính đến ngày 11/8, Hà Nội đã tiêm được hơn 1 triệu mũi với trên 12% dân số được tiêm.

Đây là lần đầu tiên số vắc xin cho Hà Nội được công bố chính thức. Nó khác xa so với số liệu 2.944.710 liều của Bộ Y tế. Nó lọt thỏm so với số dân hơn 8 triệu người, chưa kể số người di cư đến Hà Nội cũng phải hàng triệu.

Cách tốt nhất để sống chung với virus khi độ phủ vắc xin thấp

Thiếu “vũ khí” vắc xin, Thủ đô có thể làm gì?

Hà Nội phải thần tốc xét nghiệm diện rộng với mục tiêu 3,3 triệu test để tìm F0. Đây là điều rất cần thiết.

Bên cạnh đó, cả hệ thống phải vào cuộc với những số liệu chóng mặt: Hà Nội đã thành lập 55 Sở chỉ huy cấp sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; thực hiện trực ban 24/24 giờ và giao ban trực tuyến hằng ngày để chỉ đạo, xử lý các tình huống cấp bách trong công tác phòng, chống dịch.

TP cũng đang duy trì 23 chốt tại các cửa ngõ và 3.129 chốt tại các ngõ, xóm, phường, xã để kiểm soát, bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội; thành lập 4.559 tổ Covid-19 cộng đồng, với 29.385 nhóm (mỗi nhóm có 3-4 thành viên) tham gia phòng, chống dịch tại cơ sở.

Và còn rất nhiều công tác khác với mục đích chuẩn bị tốt nhất cho làn sóng đang ở phía chân trời.

GS. Ben Marais, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu về truyền nhiễm và an toàn sinh học Marie Bashir, Đại học Sydney, nói trong buổi hội thảo online “Con đường thoát khỏi Covid-19: Bài học của Úc và Việt Nam” gần đây rằng, thà phong tỏa và giãn cách xã hội từ sớm, đưa số ca nhiễm về 0, và mở cửa lại xã hội sau đó.

“Cách tốt nhất để sống chung với virus, khi độ phủ vắc xin thấp, là sống mà không có ca nhiễm nào”, ông nói.

GS. Marais chia sẻ rằng, Úc đã từng theo đuổi chính sách “kiềm chế” Covid, nghĩa là “chịu đựng” các ca nhiễm trong cộng đồng ở mức độ nào đó, để không ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội. Nhưng sau 18 tháng qua và nhất là trước tốc độ lây lan của biến chủng Delta, nước này đã nhận ra rằng chính sách trên không tối ưu về mặt chi phí.

Đó là lí do mà mặc dù số ca nhiễm hiện nay ở Úc nhỏ hơn nhiều so với các đợt dịch trước, chỉ có khoảng 200 ca nhiễm/ngày (chưa bằng một nửa so với thời điểm tháng 6 năm ngoái) nhưng hiện nay hầu hết cư dân Úc đều đang sống trong tình trạng phong tỏa.

Có lẽ Hà Nội đang tiếp cận theo góc độ đó, khi cố gắng “bóc tách các ca F0” ra khỏi cộng đồng.

Vâng, người dân và doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục giãn cách và phong tỏa vì đó là “cách tốt nhất để sống chung” với virus khi tỷ lệ tiêm chủng thấp để kiềm chế dịch bệnh hiệu quả.

Thiếu vũ khí vắc xin, làm gì còn con đường nào khác?

Đó là chưa nói, nhiều bác sỹ, nhân viên y tế ở Thủ đô đã được điều động vào chống dịch cho các tỉnh phía Nam.

Làm việc với Thủ đô cuối tuần rồi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nội đã có quyết định giãn cách xã hội rất kịp thời, tránh nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế – xã hội. “Quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị là phải ưu tiên, nhanh chóng đưa Thủ đô trở thành nơi an toàn, vững chắc từ đó kết nối, chi viện cho các địa phương khác”.

Đó là lời khen không chỉ dành cho lãnh đạo TP, mà còn với người dân và doanh nghiệp. Nhưng Hà Nội cũng cần vắc xin chứ không thể phong tỏa mãi.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 Hà Nội

Các tin liên quan đến bài viết