Đảo Sicily của Ý chứng kiến nhiệt độ cao tới 48,8 độ C và đây có thể là kỷ lục hiện đại về ngày nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu.

Nam Âu, Bắc Phi nóng kỷ lục - Ảnh 1.

Một phụ nữ cầm chai hứng nước tại đài phun nước Barcaccia giữa thời tiết nóng bức ở thủ đô Rome (Ý) hôm 12-8 

Chúng ta bảo vệ thành công hàng ngàn người, nhưng chúng ta đã mất đi rừng và của cải.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói về hậu quả do những trận cháy rừng kinh hoàng ở nước này những ngày qua.

Sóng nhiệt đã bao trùm một khu vực rộng lớn ở vùng Địa Trung Hải những ngày gần đây, góp phần dẫn tới các đám cháy rừng và khiến hàng chục người thiệt mạng ở Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Algeria. Tại Hy Lạp, những đám cháy lớn đã tàn phá rừng, phá hủy nhà cửa và buộc nhiều người sơ tán.

Báo động đỏ ở Ý

Tuần này, đảo Sicily của Ý đã ghi nhận cái nóng lên tới 48,8oC, được cho là nhiệt độ cao nhất trong lịch sử châu Âu. Nhiệt độ cao kỷ lục này – được ghi nhận tại một trạm quan trắc gần thành phố Syracuse ở đông nam đảo Sicily hôm 11-8 – sẽ cần được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác minh.

Nếu được xác nhận chính thức, nó sẽ vượt qua mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trước đó là 48oC ở Athens (Hy Lạp) vào năm 1977.

Ngày 12-8, lính chữa cháy Ý đã chiến đấu với hàng trăm đám cháy ở khắp miền nam nước này. Đến nay cháy rừng đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng ở Ý. Tại Calabria, “ngón chân” của đất nước hình chiếc ủng, một cụ ông 76 tuổi đã thiệt mạng sau khi nhà của ông bị sập do các đám cháy.

Nước Ý đang trải qua đợt nóng dữ dội do xoáy nghịch có biệt danh Lucifer di chuyển từ châu Phi. Xoáy nghịch là vùng áp suất không khí cao mà vào mùa hè thường mang tới thời tiết khô và nóng. Dự báo Lucifer sẽ di chuyển về hướng bắc và quét qua khắp nước Ý, làm tăng nhiệt độ tại các thành phố, trong đó có thủ đô Rome.

Ông Antonello Pasini – chuyên gia về biến đổi khí hậu tại Hội đồng Nghiên cứu quốc gia của Ý – cho biết các xoáy nghịch như Lucifer hiện nay trở nên phổ biến hơn do sự nóng lên toàn cầu. Chúng gây ra những cơn sóng nhiệt gay gắt.

Theo trang Euronews, ngày 12-8 có 10 thành phố của Ý đã được đặt trong “báo động đỏ”, trong đó có thành phố Palermo và thủ đô Rome, nơi ghi nhận nhiệt độ 40oC vào buổi trưa. Bộ Y tế Ý cho biết dự kiến có tổng cộng 17 thành phố “báo động đỏ” vào ngày 14-8.

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết chính phủ sẽ áp dụng một chương trình cứu trợ dành cho người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cùng một kế hoạch đặc biệt dành cho việc trồng cây gây rừng.

Sóng nhiệt di chuyển

Theo Đài CNN, nhiệt độ ở vùng Địa Trung Hải cao hơn mức trung bình từ 5 – 10oC trong tuần này. Hàng chục người đã thiệt mạng do cháy rừng ở Nam Âu và Bắc Phi, với hầu hết nạn nhân ở Algeria, nơi có ít nhất 69 người chết. Các quốc gia châu Âu cũng đã đưa máy bay chữa cháy tới hỗ trợ Algeria đối phó cháy rừng.

Trong khi đó, Hy Lạp chứng kiến cháy rừng tồi tệ nhất kể từ tháng 8-2007. Theo dữ liệu từ Hệ thống Thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS), có tới 100.874ha rừng và đất nông nghiệp ở Hy Lạp đã bị cháy trong hai tuần qua kể từ ngày 29-7. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis mô tả những đám cháy rừng gần đây là “thảm họa sinh thái lớn nhất trong vài thập niên” ở nước này.

Ngày 12-8, sóng nhiệt trên khắp vùng Địa Trung Hải đã bắt đầu di chuyển về phía tây. Nhiều khu vực ở miền nam nước Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động nhiệt độ cao.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đang trong tình trạng cảnh giác cao với cháy rừng, với nhiệt độ trên bán đảo Iberia dự kiến vượt 40oC trong những ngày tới. Miền bắc Tây Ban Nha đã ghi nhận 3 đám cháy rừng vào ngày 12-8.

Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa cảnh báo thời tiết nóng sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các đám cháy và thúc giục người dân tránh các hành vi bất cẩn có thể dẫn tới cháy rừng. “Chúng tôi biết rằng vài ngày tới sẽ trở nên gay go. Chúng ta đang đối diện với thách thức thường trực do biến đổi khí hậu” – ông Costa phát biểu hôm 12-8.

Ông Costa nói rằng “những hình ảnh khủng khiếp” ghi nhận tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây đã gợi lại những ký ức của Bồ Đào Nha hồi năm 2017, thời điểm cháy rừng khiến hơn 100 người thiệt mạng ở quốc gia này. “Chúng tôi không muốn thấy kịch bản đó tái diễn” – ông Costa phát biểu.

Nhà chức trách Bồ Đào Nha cho biết có thể họ sẽ triển khai hơn 12.000 lính chữa cháy, khoảng 2.700 phương tiện và 60 máy bay trong suốt mùa hè. Được biết sau năm 2017 đến nay, không có ai thiệt mạng trong các vụ cháy rừng ở Bồ Đào Nha.

“Một tương lai nóng hơn”

Đó là tựa đề một bài viết của New York Times (Mỹ) trong tuần này khi tờ báo này đưa tin về báo cáo mới của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc vào đầu tuần.

New York Times viết “một tương lai nóng hơn là điều chắc chắn, nhưng nóng như thế nào là tùy vào chúng ta”. Theo tờ báo này, việc ngăn tình hình trở nên tồi tệ hơn đòi hỏi nỗ lực mang tính phối hợp giữa các quốc gia trong vấn đề giảm phát thải khí CO2.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bắc Phibiến đổi khí hậuchâu ÂuĐịa Trung Hảinắng nóng kỷ lục

Các tin liên quan đến bài viết