Cuối cùng thì UBND thành phố Hà Nội cũng sửa câu chuyện giấy đi đường trong đại dịch phải có xác nhận của chính quyền xã, phường.
Vừa làm vừa điều chỉnh
Đa phần người dân đều cho rằng bắt lấy xác nhận như vậy là quá nhiêu khê, phiền phức, mà đã chắc gì chống dịch tốt hơn. Có người dí dỏm còn lấy truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao để so sánh với cảnh “kiểm giấy” của bộ phận công chức thực thi Hà Nội ngày đầu tuần.
Lấy chuyện giấy đi đường Hà Nội để thấy hình ảnh thu nhỏ của bộ máy công quyền trong con mắt dân chúng ra sao. Gần 2 năm xã hội trong đại dịch cũng là quãng thời gian bộ máy công quyền ứng phó với đại dịch. Quân đội nước nào chắc cũng đều có sẵn kịch bản chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, nhưng đã có mấy nước có sẵn trong tay kịch bản chuyển bộ máy công quyền sang trạng thái phòng, chống Covid như đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia.
Chúng ta cũng vậy, đành phải vừa làm, vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm, thậm chí sửa sai để làm cho chuẩn và tốt hơn.
Kiểm tra giấy đi đường tại chốt Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội sáng 9/8. |
Các cơ quan cao nhất của bộ máy công quyền từ Quốc hội, Chủ tịch nước cho đến Chính phủ với người đứng đầu là Thủ tướng thời gian qua đều quyết liệt vào công cuộc phòng, chống dịch.
Đặc biệt là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của lực lượng y tế cả nước, của quân đội, công an và các lực lượng khác của cả hệ thống công quyền.
Và không thể không kể đến các cơ quan hành chính từng cấp căn cứ vào sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp do Trung ương ban hành. Trong quá trình này, việc chính quyền địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa bàn mình là điều không tránh khỏi. Và chính ở điểm cụ thể này sẽ nảy sinh các vấn đề có liên quan.
Văn bản chung chỉ cho phép lưu thông hàng hóa thiết yếu trong đại dịch mới dẫn đến một vị Phó chủ tịch UBND phường ở Nha Trang vận dụng đã cho rằng bánh mỳ không thuộc vào hàng hóa thiết yếu này. Đến lúc đó, một loạt cơ quan công quyền của chúng ta mới giật mình vào cuộc giải thích thế nào là hàng hóa thiết yếu.
Đóng chợ dân sinh, chợ truyền thống sau vài ngày thấy ngay sự bất cập và lại phải sửa. Khá nhiều biện pháp cụ thể được địa phương này địa phương kia cho triển khai: phiếu đi chợ, vùng xanh, vùng đỏ, chốt kiểm soát dịch, phun khử khuẩn, truy vết, cách ly…
Cần tầm nhìn khi ban hành chính sách
Rất có thể sắp tới lại có thêm một loạt biện pháp khác được ban hành. Về cơ bản, hiếm có cơ quan công quyền nào chủ định mang đến bất lợi lớn cho dân thông qua các biện pháp của mình.
Không chủ định, không cố tình, nhưng vô tình lại dẫn đến như vậy và cái sự vô tình này một phần bắt nguồn từ sự nóng vội, chủ quan của bộ phận lãnh đạo, một phần khác là từ sự thiếu chuyên nghiệp của bộ phận tham mưu soạn thảo chính sách.
Tầm nhìn và đánh giá tác động của chính sách luôn hết sức cần thiết trước khi ban hành chính sách.
Tựa như những câu hỏi sẽ phải đến như làm thế nào để có được vắc xin nhanh nhất, có rồi thì ai được tiêm, có cần thêm bệnh viện dã chiến hay không, làm thế nào để dân không đói, bảo vệ lực lượng y tế tuyến đầu như thế nào trong đại dịch, rồi kể cả những vấn đề không muốn xảy ra nhưng vẫn phải dự liệu như khi nhiều người tử vong do dịch thì xử lý ra sao…
Chưa lúc nào bộ máy công quyền bị thách thức theo kiểu đặc biệt như vậy và cũng chưa bao giờ, bộ máy này phải chứng tỏ cho được năng lực của mình trong công cuộc phòng, chống dịch.
Các cơ quan công quyền hãy cẩn trọng, cân nhắc kỹ trước khi ban hành một biện pháp, một quyết định liên quan tới dân, doanh nghiệp trong đại dịch.
Nguồn: vietnamnet