Nơi thừa mứa không bán được hàng, nơi không có hàng để bán và giá cao là thực trạng tiêu thụ nông, thủy sản thời gian qua.

“Ngóng chờ” tiêu thụ, chế biến

Long An đang vào vụ thu hoạch nhiều mặt hàng nông, thủy sản, phần lớn nông sản Long An được cung cấp cho các thị trường như: TP.HCM và một số tỉnh, thành hiện đang giãn cách. Nhiều chợ đầu mối tại TP.HCM cũng như các chợ truyền thống của tỉnh đang tạm đóng cửa cũng gây thêm khó khăn cho tiêu thụ nông sản.

Đó là thực trạng được ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết tại hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản, thuỷ sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/8.

Đã có quy định chung, đừng thêm điều kiện riêng tự làm khó mình
Việc tiêu thụ nông sản, thủy sản đang được đặt ra cấp thiết. 

Theo lãnh đạo tỉnh Long An, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” làm tăng chi phí cho DN. Nhiều DN đã dừng sản xuất trong bối cảnh nhiều nông sản như gạo, thanh long, chanh,… đang vào vụ thu hoạch rộ.

Là DN chuyên xuất khẩu trái cây vào Mỹ, Canada, Nhật, Australia, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho hay, nửa đầu năm nay, xuất khẩu tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, nhu cầu thế giới tăng cao sau khi đã kiểm soát được phần nào dịch bệnh.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, công ty này đối mặt nhiều vấn đề ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả của DN. Vùng nguyên liệu đang bị phong toả, giãn cách khiến thiếu hụt lượng lớn lực lượng lao động. Thời gian làm việc của DN hiện chỉ còn từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Trong khi đó trước đây, 3 giờ sáng người lao động ra vùng nguyên liệu, 6-7 giờ là đem sản phẩm về nhà máy, làm đến khoảng 10-12 giờ đêm.

“Nhà máy ngày bình thường xử lý khoảng 200 tấn trái cây thì nay chỉ còn 30-40% công suất”, ông Nguyễn Đình Tùng âu lo và mong muốn được “nới” thời gian làm việc.

Trong khi đó, cước vận tải đường biển hiện nay đã tăng gấp khoảng 5 lần so với trước khi bùng dịch Covid-19. Có nguy cơ các hãng tàu sẽ không nhận vận chuyển hàng đông lạnh, điển hình là hàng rau quả vì giá thành vận chuyển bằng hàng khô nhưng rủi ro cao.

Đại diện doanh nghiệp này cũng lo ngại việc nông dân đang rất hoang mang, không biết dịch sẽ kéo dài bao lâu và có băn khoăn có nên đầu tư cây trồng hay không. “Nếu vậy khi dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp sẽ thiếu lượng hàng lớn chất lượng cao cho xuất khẩu”, ông Tùng cảnh báo.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, lưu ý những khó khăn đang phải đối diện hiện nay nếu chậm khắc phục hoặc khắc phục không có hiệu quả thì nguy cơ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất” mà “khi đứt gãy chuỗi sản xuất rồi việc khôi phục cực kì khó khăn”.

Đã có quy định chung, đừng thêm điều kiện riêng tự làm khó mình
Nơi thiếu hàng để bán, nơi thừa mứa không bán được là thực trạng thời gian qua.

Đừng tự đặt ra thêm khó khăn

Số liệu được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ tại hội nghị cho thấy, nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm 50%.

“Không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm” là yêu cầu được đặt ra không chỉ với ngành nông nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp phân phối, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, kiến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tăng cường nghiên cứu nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để thay đổi kịp thời theo yêu cầu thị trường.

Ông Sơn cũng lưu ý các DN, cơ sở sản xuất phải cam kết đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm bởi có hiện tượng là có những đơn vị dù nhận được hỗ trợ nhưng việc cam kết theo các nội dung đã thống nhất không thực hiện chặt chẽ.

Chia sẻ với việc tiêu thụ nông sản gặp khó, song ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công Thương, cũng không hài lòng với việc một số địa phương đặt ra điều kiện riêng, vô hình chung làm ách tắc cản trở quá trình lưu thông hàng hóa.

“Hàng hóa là nông – thủy sản chỉ chậm 1 giờ 2 giờ đã là gay, chưa nói đến 1-2 ngày”, ông  Diên nhấn mạnh. “Địa phương kiên quyết là không đặt ra các điều kiện riêng trong lưu thông hàng hóa”.

“Một số địa phương kêu khó nhưng bản thân lại tự làm khó cho mình. Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng Chính phủ, Ban chỉ đạo, các bộ ngành đã hết lòng hết sức chia sẻ khó khăn với địa phương, đã đặt ra các quy định cụ thể rồi thì các địa phương cố gắng thực hiện, tạo điều kiện hỗ trợ người dân, DN thực hiện nghiêm túc các quy quy định này”, lãnh đạo Bộ Công Thương thẳng thắn.

Bên cạnh đề nghị tiêm vắc xin cho lực lượng lao động có liên quan, ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định phải tạo điều kiện cho phép DN chế biến nông sản, thủy sản hoạt động trở lại.

“Đây là một yêu cầu khó khăn, nhưng khó cũng phải làm. Không ai nói được dịch bệnh bao giờ kết thúc, nhưng chúng ta phải khẳng định dù có tập trung phòng chống dịch thì nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ăn uống, thuốc chữa bệnh vẫn phải đặt ra. Vì thế cần hỗ trợ DN chế biến, góp phần tiêu thụ nông thủy sản bởi hàng tươi sống không thể tiêu thụ hết trong thời gian ngắn được”, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý.

Theo Bộ NN-PTNT, cân đối cung cầu từ nay đến cuối năm 2021 ở các tỉnh Nam Bộ, thu hoạch 900 nghìn ha lúa hè thu và 700 nghìn ha lúa thu đông, sản lượng chung ước đạt 7,5 triệu tấn, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 3,5 triệu tấn.

Rau quả: Trong tháng 8 năm 2021 ước sản lượng thu hoạch là 450 nghìn tấn; bao gồm vùng Đông Nam Bộ 107,6 nghìn tấn, ĐBSCL 335,6 nghìn tấn. Sản lượng rau quả dành cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm khoảng 3 triệu tấn.

Nuôi trồng thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 tỉnh, thành Nam Bộ đạt khoảng 5,09 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 3,35 triệu tấn, sản lượng khai thác 1,74 triệu tấn đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Sản xuất giống tôm và cá tra đáp ứng đủ nhu cầu nuôi; Đắk Lắk có nhu cầu cung ứng và xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm như: cà phê (450.000 tấn), hồ tiêu (77.000 tấn), sầu riêng (50.000 tấn). 

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cung ứnggiao hàngHàng thiết yếunông sảnthực phẩm

Các tin liên quan đến bài viết