Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin tuyên bố làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở nước này đã qua đỉnh.

“Chúng tôi nhận thấy Indonesia đã qua đỉnh dịch, đặc biệt tại các khu vực trên đảo Java. Những dấu hiệu khả quan đang bắt đầu xuất hiện”, Bộ trưởng Budi Gunadi Sadikin phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 2/8, theo hãng thông tấn Reuters.

Tuy nhiên, ông Sadikin cảnh báo Chính phủ Indonesia phải rút kinh nghiệm và hành động nhanh chóng hơn, để đảm bảo kiềm chế được sự lây lan của virus corona bên ngoài phạm vi đảo Java.

Hơn 1,2 triệu người ở châu Âu đã tử vong vì Covid-19, quan chức WHO nói dịch 'còn lâu mới chấm dứt'
Người dân cầm cờ Indonesia trong một chương trình tiêm chủng diện rộng ở Jakarta, Indonesia hôm 31/7. 

Indonesia ghi nhận thêm 22.404 ca nhiễm và 1.568 ca tử vong bởi Covid-19 trong ngày 2/8. Tính từ đầu dịch tới nay, quốc gia Đông Nam Á này có tổng số ca dương tính với Covid-19 là trên 3,4 triệu, trong đó có trên 97 nghìn ca tử vong.

Chính phủ Indonesia hôm 2/8 quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 ở một số tỉnh và thành phố từ ngày 3 đến 9/8, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Châu Âu vượt mốc 60 triệu ca Covid-19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 2/8, châu Âu đã ghi nhận hơn 60 triệu ca nhiễm Covid-19.

Tiến sĩ Dorit Nitzan, Giám đốc bộ phận ứng phó khẩn cấp của WHO khu vực châu Âu, cho biết hơn 1,2 triệu người ở lục địa già đã tử vong vì Covid-19, đồng thời cảnh báo “đại dịch còn lâu mới chấm dứt”.

Theo Financial Times, biến thể Delta khiến số ca nhiễm Covid-19 mới ở một số quốc gia lớn nhất châu Âu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, một số quốc gia đã có những tín hiệu tích cực trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Số ca nhiễm ở Mỹ vượt mốc 35 triệu

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã vượt ngưỡng 35 triệu, trong bối cảnh biến thể Delta đang phát tán mạnh tại nước này.

Tuy nhiên, trang tin The Hill nhận định, do Mỹ có sẵn nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19, nên đợt bùng dịch lần này có nhiều điểm khác biệt.

Cụ thể, những người chưa được tiêm vắc xin Covid-19 sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Trong khi đó, những người đã tiêm chủng dù vẫn có khả năng nhiễm Covid-19, song tỷ lệ biến chứng và trở nặng thấp hơn nhiều. Tỷ lệ tử vong cũng không cao như những lần trước.

Vắc xin dạng hít có hiệu quả tương đương loại tiêm

Trong bài viết đăng trên tạp chí y khoa Lancet hôm 2/8, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và công ty CanSino Biologics cho biết Ad5-nCoV, loại vắc xin Covid-19 dạng hít do nước này sản xuất, có hiệu quả đề kháng ngang với vắc xin dạng tiêm.

Tuần trước, CanSino Biologics đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu với vắc xin Ad5-nCoV dạng hít khí dung, với thời gian sử dụng giữa 2 liều cách nhau 28 ngày. Kết quả cho thấy, loại vắc xin này có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch với virus corona mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Vắc xin Ad5-nCoV không cần bảo quản lạnh, có thể giúp tăng cường khả năng tiếp cận đối với các đối tượng bình dân và giảm chi phí tiêm chủng. Ngoài tạo ra miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào, vắc xin Ad5-nCoV còn có thể tạo ra miễn dịch niêm mạc.

Hong Kong bắt buộc nhân viên y tế tiêm vắc xin

Ngày 2/8, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga ra thông báo bắt buộc công chức, giáo viên và nhân viên y tế phải tiêm vắc xin Covid-19, hoặc phải tự trả tiền thanh toán các xét nghiệm Covid-19 được thực hiện thường xuyên.

Biện pháp này nhằm nâng tỷ lệ người đã được tiêm vắc xin. Sau 6 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà, mới có 48% trong tổng 7,5 triệu người dân Hong Kong đã tiêm ít nhất 1 liều, trong đó 36% người được tiêm đủ liều.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 Thế GiớiWHO

Các tin liên quan đến bài viết