Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ rất nhiều cho các trường đại học dẫn đến vài năm trở lại đây công tác tuyển sinh rất đa dạng về phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, thang điểm của mỗi phương thức.

Điều này cũng làm cho thí sinh và xã hội phải rất lưu ý trong tìm kiếm và xác định thông tin xét tuyển.

1. Đối với phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, đây vẫn là phương thức xét tuyển chính của các trường đại học vì độ tin cậy, khách quan của kỳ thi. Theo thống kê, tổng chỉ tiêu cho phương thức này ở các trường dao động từ 30 – 60% (trung bình khoảng 55%) tổng chỉ tiêu xét tuyển.

Hiện nay có khoảng 11 khối thi ứng với 210 tổ hợp xét tuyển. Các trường đại học, cao đẳng có thể lựa chọn các tổ hợp môn xét tuyển dựa vào ngành đào tạo và yêu cầu, đặc thù riêng của mỗi trường nhưng các tổ hợp được sử dụng phổ biến là A00 (Toán – Lý  – Hóa), A01 (Toán – Lý – Anh), B00 (Toán – Hóa – Sinh), D01 (Toán – Văn – Anh). Thí sinh có thể dựa vào tổ hợp xét tuyển, điểm chuẩn để biết được uy tín, thế mạnh trong đào tạo của các trường.

Những lưu ý với thí sinh khi chọn phương thức xét tuyển vào đại học
Thống kê số lượng tổ hợp xét tuyển theo khối thi

Gần đây có dư luận về việc một số trường xét tuyển bằng những tổ hợp lạ, ít liên quan đến ngành đào tạo hoặc không có môn chuyên ngành khi xét tuyển, chẳng hạn: xét tuyển vào ngành Hóa học mà không có môn Hóa trong tổ hợp xét tuyển; tuyển sinh vào ngành Sinh học nhưng lại không có môn Sinh trong tổ hợp. Tất nhiên việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển chỉ mang tính tương đối trong tuyển sinh, tuy nhiên, thí sinh nên cân nhắc lựa chọn ngành, trường có tổ hợp kiểu như vậy để bớt gặp khó khăn khi theo học chương trình ở đại học.

Ngoài ra, trong phương thức này, thông thường các trường sẽ sử dụng từ 2 – 4 tổ hợp. Thống kê cho thấy, tổ hợp có môn Toán được sử dụng nhiều nhất, ví dụ: A00 (Toán – Lý – Hóa), bên cạnh đó nhiều trường quan tâm đến ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) nên các tổ hợp xét tuyển có môn thi tiếng Anh cũng được sử dụng phổ biến, ví dụ: D01 (Toán – Văn – Anh), A01 (Toán – Lý – Anh).

Những lưu ý với thí sinh khi chọn phương thức xét tuyển vào đại học

Bộ GD-ĐT mới điều chỉnh lại kế hoạch tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, theo đó thời gian công bố kết quả trúng tuyển trước 17h ngày 23/8 được lùi sang tháng 9, cụ thể là 16/9/2021.

Vì vậy, thí sinh cần lưu ý thời hạn này và các mốc thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trước đó để có kế hoạch phù hợp.

2. Các phương thức xét tuyển khác

Bên cạnh phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT; hiện này có nhiều phương thức xét tuyển khác, một số phương thức chính là:

2.1. Xét tuyển dựa vào điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM.

Đây là phương thức có xu hướng sử dụng phổ biến trong tương lai gần. Theo thống kê, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đang được khoảng 70 trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh 2021, chủ yếu khu vực phía Nam. Điểm này chỉ có 1 cột điểm nên dễ dàng cho thí sinh tìm hiểu và đơn giản trong đăng ký xét tuyển.

2.2. Xét tuyển dựa vào điểm học bạ (kết quả học tập ở THPT)

Đây là phương thức khá đa dạng về công tính và cách thức xét tuyển. Có trường sử dụng điểm của cả 3 năm học THPT tính theo tổ hợp xét tuyển (phần lớn giống như tổ hợp xét tuyển của phương thức điểm thi THPT), có trường chỉ sử dụng kết quả học tập của lớp 12; cũng có trường sử dụng kết hợp vừa điểm thi THPT và điểm học bạ; hoặc trường sẽ kết hợp điểm học bạ và điểm thi năng khiếu; sơ tuyển….

2.3. Xét tuyển dựa vào điểm xét tốt nghiệp THPT (điểm tốt nghiệp).

Theo phương thức này, điểm được tính bằng tỷ trọng 70% điểm của 4 môn thi dùng để xét tốt nghiệp và 30% điểm trung bình lớp 12 cộng với các điểm khuyến khích, ưu tiên (nếu có).

Đây là phương thức mới, Trường ĐH Nha Trang là trường đại học đầu tiên áp dụng.

Những lưu ý với thí sinh khi chọn phương thức xét tuyển vào đại học
Công thức tính điểm xét tốt nghiệp năm 2021

2.4. Các phương thức xét tuyển thẳng:

Đây là phương thức đang được nhiều trường sử dụng. Trước tiên là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ.

Bên cạnh đó, các trường tuyển thẳng chủ yếu đối với tốt nghiệp loại giỏi ở THPT; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; thí sinh loại khá, giỏi ở top các trường THPT có điểm thi THPT cao nhất cả nước…

Điều cần quan tâm nữa là mỗi phương thức có cách tính khác nhau, có thang điểm khác nhau (thang điểm 10, thang điểm 30, thang điểm 40 khi có nhận hệ số môn thi chính; thang điểm 100; thang điểm 1200…)

Thí sinh cần truy cập website tuyển sinh của từng trường để có thông tin chính xác nhất về phương thức, tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu; tổ hợp, cách tính điểm…

Sau đó, căn cứ vào điểm thi, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, các chứng chỉ quốc tế (nếu có) để lựa chọn ngành và phương thức phù hợp nhất, hạn chế sai sót không đáng có làm mất cơ hội trúng tuyển.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : điểm chuẩn đại họctuyển sinh đại họcxét tuyển đại học

Các tin liên quan đến bài viết