Theo Bộ Y tế, lượng vắc xin nhập về đã hơn 14 triệu liều và phần lớn đã được phân bổ về các địa phương, trong đó có TP.HCM. Thế nhưng, lượng vắc xin được tiêm mỗi ngày trung bình chỉ 20.000 – 40.000 liều.
Hiện TP.HCM đang trải qua những ngày siết giãn cách, nhất là với việc hạn chế người dân không ra đường từ 18h đến 6h mỗi ngày, đây là thời điểm được cho là cần phải được tận dụng tối đa để tăng tốc tiêm vắc xin.
Trong khi đó, số ca bệnh mới được Bộ Y tế công bố mỗi ngày cũng lên đến vài ngàn nên nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin hơn nữa để không bỏ qua “cơ hội vàng” ngăn dịch.
6 ngày tiêm 221.289 liều
Tại TP.HCM, sau 6 ngày triển khai tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5, TP.HCM mới chỉ tiêm được 221.289 liều, trung bình tiêm khoảng 36.881 liều/ngày, mỗi điểm tiêm trung bình tiêm cho 59 người/ngày.
Trong khi theo kế hoạch trước đó của UBND TP.HCM, mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày và với 624 điểm tiêm có thể đạt 74.880 liều/ngày để trong khoảng 12 ngày thì tiêm hết 930.000 liều được phân bổ đợt này.
Như vậy sau 6 ngày TP.HCM tiêm chưa đến 1/4 số vắc xin được phân bổ và với tốc độ tiêm như hiện nay phải mất 25 ngày (tương tương 3,5 tuần nếu tính tiêm luôn trong hai ngày nghỉ). Nếu không có phương án, giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm, có thể tiến độ tiêm vắc xin đợt 5 sẽ chậm hơn 1-2 tuần so với mục tiêu đề ra.
Trong những cuộc họp trước đây, lãnh đạo TP.HCM cho biết đặt kỳ vọng đến hết năm 2021 sẽ có 2/3 dân số TP.HCM được tiêm vắc xin. Với dân số TP.HCM hiện nay khoảng 14 triệu người, TP.HCM kỳ vọng đến cuối năm 2021 sẽ có 9 triệu người được tiêm vắc xin (trong đó có những người tiêm 2 mũi).
Với số lượng người đã tiêm một mũi sau đợt 5 là 2 triệu, TP.HCM còn phải tiêm cho 7 triệu người. Nếu tiếp tục tiến độ tiêm như hiện nay sẽ khó khăn để đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, hiện nay TP.HCM đang vào “cao điểm” giãn cách để khoanh vùng, “cách ly” dịch. Đây được các chuyên gia cho rằng là thời điểm tốt để tiêm vắc xin.
“Vắc xin, vắc xin và vắc xin. Cần lưu ý giải pháp tối ưu để chống dịch đó. Nếu để chậm trễ, không tranh thủ lúc giãn cách này để tiêm vắc xin thì “thời gian vàng” sẽ nhanh qua”, một chuyên gia nói với Tuổi Trẻ.
Nơi tiêm “thần tốc”, nơi chờ chi viện
Tiến độ tiêm giữa các quận, huyện cũng khác nhau, có nơi tiêm mỗi ngày hàng ngàn người nhưng cũng có nơi chỉ tiêm được mấy trăm người. Lấy ví dụ hai quận 10 và 11 có số phường và số liều vắc xin được phân bổ tương đương nhau.
Quận 10 có 14 phường, được phân bổ khoảng 19.213 liều, còn quận 11 có 16 phường được phân bổ 19.000 liều. Chỉ trong 4 ngày (23 đến 26-7) quận 11 tiêm được hơn 19.000 liều, hoàn thành chỉ tiêu, trong khi quận 10 chỉ tiêm được khoảng 1.900 liều.
Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long cho biết quận đã xin và được phân bổ thêm 5.000 liều và chỉ trong ngày 27-7 đã tiêm được 4.000 liều, dự kiến quận sẽ xin thêm vắc xin để tiêm.
“Để hỗ trợ quận, các phòng khám còn kêu gọi thêm y, bác sĩ ngoài quận. Như ngày hôm qua (27-7), quận 11 đã phải ký khoảng 200 giấy đi lại cho các y, bác sĩ, tình nguyện viên ngoài quận để vào quận hỗ trợ tiêm chủng” – ông Long cho hay.
Trong khi đó, theo kế hoạch của UBND TP.HCM, với 14 phường, quận 10 phải có ít nhất 28 điểm tiêm, với 56 bàn tiêm. Tuy nhiên, ông Bùi Thế Hải – phó chủ tịch UBND quận 10 – cho biết hiện nay trong số 15 điểm tiêm thực tế (mỗi điểm chỉ có 1 đội tiêm), quận 10 chỉ có 1 điểm tiêm, còn lại do TP.HCM chi viện.
Với số lượng đội tiêm hạn chế, những ngày qua quận 10 chỉ tập trung tiêm cho người dân thuộc diện chính sách, có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, giáo viên. Từ hôm nay 28-7, TP.HCM chi viện thêm cho quận 5 đội tiêm. Nếu tổng lực tiêm sẽ đạt xấp xỉ 3.000 người/ngày.
Ông Hải cho hay số lượng tiêm thấp cũng do địa bàn những ngày qua quận 10 có nhiều ca F0. Người dân thuộc diện tiêm đang ở trong khu phong tỏa, cách ly không ra ngoài.
Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông – IPS):
Nên thuê tư nhân tiêm vắc xin
Khi lực lượng y tế hạn chế, một phần đang tập trung cho các việc phòng chống dịch khác, giải pháp quan trọng nhất để đẩy số lượng tiêm vắc xin lên là huy động lực lượng tư nhân vào chiến dịch tiêm chủng.
Tôi nhấn mạnh là “thuê” cơ sở y tế, bệnh viện tư nhân tiêm vắc xin chứ không phải cho phép tư nhân cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin. Vắc xin vẫn là của Nhà nước, y tế bệnh viện tư chỉ là người đi “tiêm thuê” và được ngân sách trả tiền để tiêm, chứ không phải là người dân trả phí dịch vụ cho cơ sở y tế tư nhân.
Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội VN cũng cần tham gia sát sao cùng Bộ Y tế và các địa phương để xem xét cơ chế tài chính khi huy động cơ sở y tế tư nhân chống dịch. Tư nhân tham gia phải được trả tiền, nhưng cụ thể một mũi tiêm định mức bao nhiêu để Bảo hiểm xã hội có thể thanh toán.
Cần có quy định rõ ràng, chi tiết để các địa phương có thể nhanh chóng triển khai.
Huy động nguồn lực tư nhân để tăng tốc tiêm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Hữu Nghị – nguyên giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) – tỏ ra tiếc nuối khi tháng 7 này vắc xin về nhiều nhưng tiêm chủng chậm, trong khi chỉ 3 ngày sau tiêm là hàng rào bảo vệ đã được khởi động và sẽ tăng dần theo thời gian.
Với những người đã được tiêm chủng thì dù sau này có mắc bệnh cũng sẽ nhẹ hơn nhiều và không phải đi bệnh viện, giảm tải cho hệ thống y tế.
“Giở bản đồ tiêm vắc xin của thế giới sẽ thấy: số lượng tiêm chủng của Việt Nam chỉ hơn mấy nước châu Phi, mới đạt chưa đầy 5% dân số, trong khi Campuchia đã đạt hơn 20%. Giới chuyên môn chúng tôi tính toán nếu huy động hết cả hệ thống y tế, mỗi ngày chúng ta có thể tiêm được 500.000 mũi vắc xin, như vậy tháng 10 tới dịch có thể tạm yên” – ông Đoàn Hữu Nghị chia sẻ.
Về huy động nguồn nhân lực, ông Nghị gợi ý: “Các nước huy động bác sĩ, điều dưỡng về hưu cho tiêm chủng, hiện nay tại TP.HCM đã huy động như vậy. Nhưng về tiêm chủng thì nên huy động y tế tư nhân, Việt Nam có nhiều trung tâm tiêm chủng lớn, nhiều bệnh viện tư, huy động được hệ thống này sẽ tăng nhanh được tiến độ”.
Nguồn: tuoitre.vn