“Những công cụ này ngày càng rẻ. Giờ đây không chỉ các cơ quan tình báo hàng đầu thế giới mà các chính phủ nước nhỏ, sở cảnh sát địa phương cũng có thể mua chúng”, nhà nghiên cứu Allie Funk nói về các phần mềm gián điệp.

Nở rộ phần mềm gián điệp, giá nào cũng có - Ảnh 1.

Phần mềm gián điệp Pegasus phiên bản mới nhất nhắm vào những người dùng điện thoại iPhone 

Các phần mềm theo dõi và thu thập dữ liệu đang khiến dư luận chú ý sau vụ phần mềm Pegasus được sử dụng để theo dõi hàng chục ngàn người, bao gồm cả các nguyên thủ quốc gia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là đã đổi điện thoại và số di động vì nằm trong danh sách mục tiêu của Pegasus. Theo AFP, Pegasus và công ty phát triển nó (NSO của Israel) chỉ là phần nhỏ trong một ngành đã âm thầm bùng nổ trong vài năm trở lại đây: gián điệp điện tử.

“Sự phát triển này đã giúp các chính phủ lắm của nhiều tiền có thêm các công cụ giám sát mạnh mẽ chưa từng có”, hãng thông tấn của Pháp đặt vấn đề.

Do chi phí phát triển đắt đỏ và tinh vi, những phần mềm như Pegasus được sử dụng một cách có lựa chọn, chủ yếu nhắm vào các mục tiêu cá nhân.

Nói như chuyên gia Ron Deibert (Canada), chỉ cần có tiền, các nước có thể sở hữu khả năng giám sát mạnh mẽ tương đương Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ.

Tuy nhiên theo AFP, ngày càng nhiều phần mềm gián điệp rẻ tiền hơn được các công ty tư nhân phát triển và bán rộng khắp. Những hợp đồng này luôn trong bí mật và chỉ được phát hiện thông qua truy vết, theo Trung tâm Citizen Lab của Canada.

Candiru, một công ty khác của Israel, đã bí mật bán phần mềm gián điệp cho chính phủ một loạt quốc gia. Phần mềm của Candiru được sử dụng nhắm vào các nhà báo, nhân vật đối lập ở nhiều nước, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Singapore.

Năm 2017, cũng thông qua truy vết, Citizen Lab phát hiện Chính phủ Ethiopia sử dụng phần mềm do Công ty Cyberbit của Israel phát triển để giám sát các nhà bất đồng quan điểm lưu vong.

“Những công cụ này ngày càng rẻ. Giờ đây không chỉ các cơ quan tình báo hàng đầu thế giới mà các chính phủ nước nhỏ, sở cảnh sát địa phương cũng có thể mua chúng”, nhà nghiên cứu Allie Funk nói về các phần mềm gián điệp.

Nở rộ phần mềm gián điệp, giá nào cũng có - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Macron dùng điện thoại iPhone trong một cuộc họp vào tháng 7-2020 

Có khá nhiều lý do lý giải vì sao Israel là nơi tập trung nhiều công ty chuyên phát triển phần mềm gián điệp.

Một trong số này là thái độ cởi mở của Đơn vị 8200 thuộc quân đội Israel. Đơn vị gián điệp này đã “khuyến khích binh sĩ khởi nghiệp sau khi xuất ngũ”.

Chuyên gia Deibert nghi ngờ chính quyền Israel cố tình làm vậy để thu thập thông tin chiến lược từ các chính phủ sử dụng phần mềm gián điệp do công ty nước này phát triển.

Israel không phải là nước duy nhất bán các phần mềm gián điệp. Giống như Pegasus, FinFisher của Đức được tiếp thị như một công cụ giúp các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật chống lại tội phạm.

Tuy nhiên, phần mềm này cũng bị chỉ trích khi bị sử dụng sai mục đích, trở thành công cụ giám sát ở một số quốc gia. Năm 2015, Công ty Hacking Team của Ý phải đổi tên sau khi có thông tin tiết lộ họ đã bán phần mềm gián điệp cho hàng chục nước.

Theo các nhà phân tích an ninh mạng, bản thân các công ty phát triển phần mềm gián điệp có một đội ngũ nghiên cứu và cải tiến sản phẩm, giúp phần mềm an toàn trước các bản cập nhật bảo mật.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, những công ty này cũng tìm mua thông tin về lỗ hổng bảo mật từ nguồn bên ngoài. Luôn có sẵn các nhóm tin tặc chỉ chuyên khai thác các lỗ hổng bảo mật và rao bán trên “dark web”, một thế giới ngầm của mạng Internet.

Có một số công ty, như Zerodium ở Mỹ, chuyên “thu mua” các lỗ hổng bảo mật từ tin tặc và bán lại, theo ông Deibert.

Hiện có nhiều lời kêu gọi chính phủ các nước siết chặt việc mua bán các phần mềm gián điệp, thậm chí cấm xuất khẩu những công nghệ này.

Theo các nhà quan sát, những lời kêu gọi này hoàn toàn vô dụng bởi chính phủ một số nước cũng ngầm ủng hộ việc bán và sử dụng các phần mềm gián điệp.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : gián điệpIsraelPegasusphần mềm gián điệp

Các tin liên quan đến bài viết