Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không đồng ý trộn hai loại vắc xin COVID-19 khác nhau. Nhưng vẫn là khoa học, tại châu Âu và Canada, họ cho rằng đây là cách hiệu quả phòng COVID-19.

Vì sao khoa học tranh cãi về COVID-19 và trộn vắc xin? - Ảnh 1.

Một người phụ nữ tiêm vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer 

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, và Thủ tướng Ý Mario Draghi là những người đi đầu trong việc tiêm kết hợp hai loại vắc xin khác nhau.

Sau khi cùng tiêm AstraZeneca trong mũi đầu tiên, bà Merkel và ông Trudeau tiêm mũi thứ hai bằng Moderna, còn ông Draghi chọn Pfizer.

WHO chưa “duyệt”

WHO đến nay chưa khuyến nghị cách kết hợp vắc xin này. Tuy nhiên cách sử dụng thuốc ngoài hướng dẫn (“off-label”) này đang thịnh hành ở Canada và 15 quốc gia châu Âu, cũng như bắt đầu thu hút chú ý ở Mỹ.

Cũng như châu Âu, người Mỹ hiện lo lắng về hiệu quả của việc dùng một loại vắc xin (như Johnson & Johnson) để ngừa biến chủng Delta.

Câu hỏi đặt ra là liệu cách tiếp cận này có an toàn và hiệu quả không? Còn câu trả lời dường như là… không biết.

Nếu cho rằng “khoa học” là chân lý, còn các “nhà khoa học” là người truyền đạt chân lý, vậy ở đây sẽ có hơn một chân lý, và có các nhóm truyền đạt chân lý khác nhau.

Hôm 22-7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC) công bố báo cáo gây tranh cãi. Trong đó cho rằng việc trộn các loại vắc xin có thể tạo ra “phản ứng miễn dịch mạnh mẽ” ngừa COVID-19.

Báo cáo dẫn bằng chứng từ nghiên cứu về việc trộn vắc xin cho thấy việc kết hợp AstraZeneca (công nghệ vector virus) và các loại vắc xin công nghệ RNA thông tin (mRNA) tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại virus SARS-CoV-2, và tạo ra phản ứng tế bào T cao hơn so với một loại vắc xin.

Chuyên gia chính sách về bệnh truyền nhiễm của ECDC, ông Karam Adel Ali, khẳng định có phản ứng miễn dịch tốt xuất hiện trong các dạng tiêm kết hợp như trên.

Ông này cho biết dù việc tiêm kết hợp có sinh ra thêm một số phản ứng phụ, song nhìn chung quy trình trộn và kết hợp này được dung nạp tốt.

Cũng theo báo cáo trên, một số nghiên cứu khác gần đây cũng như Chính phủ Đức cho rằng “combo” hai liều vắc xin COVID-19 khác nhau có thể tạo miễn dịch mạnh mẽ hơn so với một loại.

Ví dụ khi chỉ dùng 2 liều cùng loại AstraZeneca, nghiên cứu của họ thấy ít hiệu quả hơn các loại vắc xin mRNA trong việc chống biến chủng Delta và Beta.

Vì sao khoa học tranh cãi về COVID-19 và trộn vắc xin? - Ảnh 2.

Các nhà khoa học Anh cho rằng những người từng bị cảm lạnh có thể có khả năng chống chọi SARS-CoV-2 tốt hơn 

“Chưa đủ bằng chứng”

Nhưng ở chiều ngược lại, một số nhà khoa học khác bày tỏ lo ngại về cách tiếp cận này.

Ông Daniel Lopez-Acuna, cựu giám đốc về xử lý khủng hoảng của WHO, đồng ý với quan điểm cho rằng “có quá ít bằng chứng cho thấy liệu trộn vắc xin có hợp lý hay không”.

Ông nói: “Chúng ta cần chấp nhận rằng mình đang ở một vùng xám, nhìn từ góc độ bằng chứng cần thiết để đưa ra một quyết định đúng đắn”.

Còn trong giới khoa học, TS Eric Feigl-Ding, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (Federation of American Scientists), khẳng định với Yahoo News rằng chúng ta đang chìm trong một… màn sương mờ.

Phía WHO – cơ quan khuyến cáo nên dùng cùng một loại vắc xin cho cả hai liều, TS Soumya Swaminathan bày tỏ lo lắng.

Bà cho rằng có một xu hướng khá nguy hiểm khi mọi người đang không nắm dữ liệu trong tay, không có bằng chứng nào về việc trộn và kết hợp vắc xin.

Nhìn chung, điểm mấu chốt xuất hiện trong mọi tranh luận khoa học dạng này nằm ở “bằng chứng”.

Các nhà khoa học luôn thận trọng khi đưa ra đánh giá về một vấn đề chuyên môn. Sự phản bác của họ dành cho các nghiên cứu hay thực tiễn mới, trên thực tế dừng lại ở mức độ “chưa biết thì chưa dám nói”, chứ không hẳn khẳng định nghiên cứu và thực tiễn đó đúng hay sai. Vì vậy cụm từ “chưa có bằng chứng…” trở thành câu cửa miệng.

Richard Carpiano, giáo sư về chính sách công tại ĐH California (University of California, Riverside), phân tích với Yahoo News về sự thiếu chắc chắn có thể bị hiểu nhầm thành mong manh, mông lung.

“Chúng ta tìm tới các nhà khoa học, chuyên gia lâm sàng để có câu trả lời dứt khoát. Nhưng đây lại không phải cách mà khoa học bình thường vẫn hoạt động. Vì tình hình phát triển liên tục trong một loại virus mà chúng ta hiểu rất ít về nó chỉ một năm trước đây, cộng đồng khoa học đang vận động nhanh chóng để tìm hiểu nó, và các hướng dẫn ban hành thường xuyên được cập nhật. Đây thực sự là cách khoa học đang hoạt động như nó vốn phải thế”.

Tuy nhiên, đối với phần đông công chúng, việc cập nhật liên tục này có nguy cơ bị xem là các nhà khoa học, các quan chức y tế không hiểu họ đang làm gì”, ông nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : AstrazenecaCOVID-19khoa họcPfizervắc xin

Các tin liên quan đến bài viết