Những đứa trẻ có thành tích tốt luôn được sinh trưởng và dạy dỗ bởi những cha mẹ có mục tiêu cao, có sự kỳ vọng vào trẻ.
Nhưng cũng có không ít đứa trẻ trở nên mất tự tin, thất bại, không tìm thấy chính mình, và điểm cuối là không thể hạnh phúc khi chúng không làm đúng như cha mẹ kỳ vọng.
Từ đó nhiều phụ huynh thay đổi quan niệm cho rằng hãy nuôi con xuất phát từ chính tình yêu và không nên kỳ vọng vào trẻ. Nhưng một số phản đối vì cho rằng nếu không có kỳ vọng, trẻ thiếu mục tiêu phấn đấu.
Thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng, những kỳ vọng quá giới hạn của bố mẹ so với cấu tạo não bộ của trẻ có thể khiến trẻ gặp các vấn đề về tâm lý.
Nhiều bậc cha mẹ có thể gây ra những áp lực cho con trẻ như: con phải học trường chuyên, trẻ phải luôn đạt thành tích cao, luôn đạt loại giỏi; trẻ phải làm việc ở những nơi danh giá, nổi tiếng, hoặc có đồng lương cao; trẻ phải chơi với những người bạn giàu có, sang trọng,… mà họ hoàn toàn không để ý rằng trẻ vẫn có một mức giới hạn nhất định do cấu tạo não bộ, cấu tạo thể chất ổn định bẩm sinh.
Ảnh minh họa. |
Những kỳ vọng thái quá của cha mẹ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: do cha mẹ quá lo lắng cho tương lai con trẻ sau này; do cha mẹ muốn con thực hiện những ước mơ của mình trước đây còn dang dở; do cha mẹ đánh giá quá cao về khả năng của con cái; do sự cầu toàn của cha mẹ; do vấn đề giữ sĩ diện,… mà hoàn toàn không chú tâm đến cấu tạo não bộ vốn có ở trẻ vẫn có những giới hạn nhất định.
Do ảnh hưởng của cấu tạo não bộ nên những trường hợp cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào trẻ mà trẻ không đạt được, khi ấy sẽ xuất hiện những hậu quả về mặt tâm lý như:
Trẻ bị trầm cảm tuổi nhỏ, dễ xảy ra các trường hợp xấu như nghĩ quẩn, tự tử giống người lớn.
Trẻ mặc cảm, tự ti với bạn bè, với mọi người xung quanh nên sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu như bỏ học, chơi bời, tụ tập với nhóm người xấu để cướp bóc, sử dụng ma túy,…
Trẻ ảo tưởng về khả năng của bản thân nên sẽ không chịu nỗ lực, không phấn đấu trong học tập và trong cuộc sống,…
Và còn rất nhiều hậu quả khác nữa nhưng quan trọng nhất là tình cảm gia đình sẽ bị rạn nứt, không hạnh phúc, thiếu niềm vui.
Vậy cách tốt nhất dành cho con là kỳ vọng trong khả năng của trẻ để thúc đẩy sự phát triển và nỗ lực phấn đấu của trẻ, thay vì tạo áp lực không đáng có.
Sự trưởng thành bắt đầu khi trẻ bắt đầu tự đưa ra quyết định của mình dựa vào logic và lời khuyên của cha mẹ. Ví dụ, khi cân nhắc chọn trường học, một chàng trai 15 tuổi đã quyết định sống xa nhà. Điều này đã khiến cha mẹ của cậu rất buồn phiền và lo lắng. Tuy nhiên, chàng trai đã đối mặt với những khó khăn, thất bại và không bao giờ cảm thấy xấu hổ về những gì mình đã dũng cảm lựa chọn.
Những đứa trẻ cần học cách đối mặt với những thất bại trong tương lai. Trẻ em luôn muốn làm cha mẹ mình vui và hạnh phúc. Tuy nhiên chúng cũng cần đưa ra những ý kiến cá nhân, làm những gì chúng thực sự muốn. Thật đáng ngưỡng mộ khi cha mẹ sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt của con, tin tưởng chúng và cho phép con được là chính mình, hỗ trợ con trong những lúc khó khăn nhất.
Những bậc cha mẹ khôn ngoan, luôn dành khoảng không gian riêng cho con cái, họ quan sát và đưa ra lời khuyên cho trẻ. Từ đó, trẻ em phát triển cái nhìn sâu sắc, chúng có thể rút ra được từ những sai lầm của mình, cũng như có khả năng chống chọi tốt hơn và nhất là khi trẻ yêu cầu được tư vấn hay chia sẻ những lúc chúng cảm thấy an toàn và cởi mở nhất. Vì vậy, hãy để trẻ em phát triển theo hướng chúng muốn và hãy cho chúng được là chính mình.
Nguồn: vietnamnet