Lộc Ninh là huyện có đường biên giới dài, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Trước tình hình dịch Covid-19 trong tỉnh, tại Vương quốc Campuchia và trong huyện đang có những diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, thời gian qua, cùng với các lực lượng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh đã có nhiều giải pháp kịp thời khoanh vùng, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Trong đó, đáng chú ý là việc phát huy vai trò, trách nhiệm người có uy tín trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng dịch trong nhân dân.
Tuyên truyền viên tích cực
Là xã vùng sâu, biên giới có 43% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều tháng qua, bất kể ngày nắng hay mưa, ông Điểu De, người có uy tín và cán bộ dân tộc – tôn giáo xã Lộc Hòa vẫn tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền đến người dân mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và các nguy cơ lây nhiễm.
Ông Điểu De cho biết: “Đồng bào DTTS nơi đây trình độ nhận thức có hạn. Không nhiều người sử dụng thiết bị điện tử, họ chủ yếu nắm bắt thông tin qua tuyên truyền miệng. Nếu mình không đi sâu, đi sát tuyên truyền thì rất khó thực hiện. Tuy nhiên, qua kiểm soát, chúng tôi nhận thấy, người dân nơi đây đã chấp hành rất tốt các quy định về phòng, chống dịch. Không còn tình trạng tập trung đông người. Đi làm, họ đi riêng lẻ chứ không rủ nhau đi chung như trước”.
Anh Điểu Chương (phải), cán bộ dân tộc – tôn giáo xã Lộc Hòa hướng dẫn người dân thực hiện phòng, chống dịch Covid-19
Là huyện biên giới, rất nhiều hộ dân có mối quan hệ thân tộc phía bên kia biên giới. Trước đây, người dân thường qua lại thăm thân, kết hợp trao đổi, mua bán hàng hóa. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch vào trong nội địa. Xác định được điều đó, thời gian qua, tranh thủ lực lượng người có uy tín, bằng tiếng nói và kinh nghiệm thực tiễn, nắm bắt tốt tâm lý và quy luật sinh hoạt của người dân, những người có uy tín ở các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền theo cách riêng phù hợp.
Anh Điểu Chương, cán bộ dân tộc – tôn giáo xã Lộc Hòa cho biết: Để tuyên truyền hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS, phải phát huy vai trò người có uy tín. Họ là lực lượng gần dân, hiểu được thời điểm nào tuyên truyền, vận động là tốt nhất. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên phối hợp với những người có uy tín đi tuyên truyền vào chiều tối. Tuyên truyền bằng tiếng nói riêng của đồng bào, bằng cách phát tờ rơi hoặc thông qua hình ảnh trực quan chỉ cho người dân hiểu về các biện pháp phòng dịch và nguy cơ lây nhiễm… Nhờ vậy, người dân nơi đây đã hiểu và thực hiện rất tốt yêu cầu giãn cách xã hội và phòng chống dịch.
Cầu nối giữa ý Đảng – lòng dân
Trung tá Trần Đức Minh, cán bộ Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Lộc Thiện cho biết: “Trước đây, bà con thường có thói quen qua lại biên giới thăm thân nhân, kết hợp trao đổi, mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Campuchia và bắt đầu xuất hiện trong tỉnh, trong huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng huyện đã tăng cường phối hợp triển khai siết chặt quản lý an ninh biên giới và việc thực hiện các quy định phòng chống dịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân. Nhờ vậy, thời gian qua, tình trạng này không còn. Người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Sự chuyển biến tích cực đó có vai trò rất lớn của những người có uy tín”.
“Cấp ủy, chính quyền đánh giá cao vai trò của những người có uy tín. Họ thực sự là chỗ dựa tin cậy, là “tai”, “mắt”, là “cánh tay nối dài” cho lực lượng tuyến đầu chống dịch”. |
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Hòa |
Không chỉ đi sâu, đi sát tuyên truyền theo kiểu cầm tay chỉ việc, những người có uy tín được ví như những “cây đại thụ” ở vùng biên. Họ là chỗ dựa, cầu nối quan trọng giữa ý Đảng – lòng dân. Bằng uy tín của mình, những người có uy tín đã truyền đạt có hiệu quả và nhanh nhất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Đồng thời lắng nghe các ý kiến, kiến nghị người dân để tham mưu hướng giải quyết góp phẩn ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Điểu Non ở ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện cho biết thêm: “Người dân các ấp, sóc thường có thói quen vào giờ nghỉ trưa, chiều tối hoặc ngày nghỉ tập trung ăn uống, nghỉ ngơi một chỗ. Mình phải tranh thủ, khéo léo tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác chấp hành. Với bà con, không cần nói nhiều mà đi thẳng vào vấn đề, dặn họ làm gì, tránh điều gì, chỉ thế thôi. Khi bà con hiểu, đặc biệt là từ khi Bình Phước và huyện Lộc Ninh có dịch, yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, tình trạng này không còn nữa. Bà con cũng tự nhắc nhở và giám sát lẫn nhau việc đeo khẩu trang khi ra đường và không đi lại trên tuyến biên giới”.
Tình hình dịch Covid-19 trong tỉnh đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Việc hạn chế tập trung đông người và di chuyển lúc này là hết sức cần thiết đối với công tác kiểm soát, phòng chống dịch của tỉnh. Trong đó, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đóng vai trò quan trọng. Và để có được điều đó, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Là tỉnh có gần 20% dân cư là đồng bào DTTS, trước đại dịch, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã vào cuộc vận hành đồng bộ các giải pháp chống dịch. Những người có uy tín, trong khả năng của mình đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch theo cách riêng của mỗi người.
Theo Báo Bình Phước