Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong cả nước, ngày 14-7, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1354/ATTP-NĐTT yêu cầu các tỉnh, thành phố bảo đảm ATTP và chế độ dinh dưỡng tại các bếp ăn trong và ngoài khu công nghiệp (KCN) phục vụ công nhân, người lao động, cán bộ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong các KCN, khu cách ly.
Theo đó, để bảo đảm ATTP góp phần khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, ngày 15-7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh ban hành Công văn số 242/ATTP-NV yêu cầu các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc bảo đảm ATTP cho người dân. Đặc biệt là các bếp ăn trong và ngoài KCN cung cấp suất ăn cho công nhân, người lao động và tại các khu cách ly.
An toàn từ khâu chế biến…
Nội dung công văn yêu cầu, người đứng đầu các bếp ăn tập thể trong và ngoài KCN chủ động thực hiện nghiêm các yêu cầu về điều kiện ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể tại khu cách ly đồi 230, thị xã Phước Long. (Hình ảnh được chụp trước ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ)
Ông Phan Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Thực hiện nghiêm và đầy đủ yêu cầu về điều kiện ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chỉ cho phép những cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định mới được hoạt động. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát tại bếp ăn tập thể để nâng cao sức khỏe cho công nhân trong phòng, chống dịch Covid-19.
Khi cơ sở cách ly tổ chức bếp ăn dã chiến cần đảm bảo khu vực chế biến, nấu ăn vệ sinh sạch sẽ, tách biệt hoàn toàn với nguồn ô nhiễm, phân khu cách ly. Cùng với đó, bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến; thực hiện việc kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn. Cống rãnh ở khu vực chế biến phải thông thoát, không ứ đọng; dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải phải đảm bảo vệ sinh; chất thải, rác thải phải được thu dọn hằng ngày sạch sẽ; bảo đảm côn trùng và động vật gây hại không xâm nhập vào khu vực chế biến, kho chứa nguyên liệu… Song song đó, trang bị đủ xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn, dung dịch vệ sinh bề mặt bếp, sàn nhà, tay nắm cửa.
Khu vực ăn uống phải thoáng mát, đủ ánh sáng, vệ sinh sạch sẽ, có nơi rửa tay và đủ nước sạch, xà phòng; có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn tay cho người ăn. Đặc biệt là không phục vụ cùng một lúc quá đông người, cần bố trí ăn theo ca, bố trí khoảng cách an toàn giữa những người đến ăn…
Các khu vực tổ chức ăn uống cho công nhân, người cách ly phải đảm bảo khoảng cách, bố trí so le theo tình hình dịch; thiết kế vách ngăn giữa các vị trí ngồi, khuyến khích đánh mã số tại các vị trí ngồi. Mỗi người ghi lại mã số tại vị trí ngồi ăn của mình để dễ dàng truy vết khi cần. Đặc biệt tránh ngồi đối diện, trò chuyện khi ăn; ăn xong rời khỏi căn tin ngay, tránh tiếp xúc không cần thiết.
…đến sức khỏe người phục vụ
Trong việc đảm bảo thực phẩm an toàn, vệ sinh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt quan tâm đến vấn đề người chế biến, phục vụ. Đó là những ai tham gia bếp ăn cũng phải đeo khẩu trang khi chế biến, phục vụ; sử dụng đũa, kẹp gắp, găng tay ni-lon để chia gắp thức ăn. Đồng thời, giữ khoảng cách phù hợp với người xung quanh, người mua.
Yêu cầu không tham gia, phục vụ, chế biến khi có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở và mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da, nhiễm trùng lao, phổi, tiêu chảy cấp. Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe, đảm bảo các điều kiện vệ sinh như đo nhiệt độ, khai báo y tế hằng ngày, đeo khẩu trang và găng tay khi phục vụ, đảm bảo khoảng cách trong quá trình giao, nhận thực phẩm.
Đối với những người đang cách ly, trong quá trình ăn uống phải thực hiện nghiêm việc rửa sạch tay bằng xà phòng, dung dịch khử khuẩn trước và sau khi ăn; không nói to, cười đùa trong khi ăn, hạn chế di chuyển trong phòng ăn; giữ khoảng cách an toàn với người ngồi cùng bàn ăn và bỏ rác đúng nơi quy định…
Với những nỗ lực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hy vọng sẽ góp phần tránh lây nhiễm, lây nhiễm chéo trong khu cách ly, trong các KCN trên địa bàn tỉnh khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Theo Báo Bình Phước