Khoảng cách giữa “hai nước Mỹ” – một bên là những người đã tiêm phòng và một bên là chưa tiêm, có nguy cơ mở rộng do sự xuất hiện của biến thể Delta.

Biến thể Delta nới rộng khoảng cách giữa người tiêm và chưa tiêm vắc xin

Ngay cả khi nhiều người Mỹ vui mừng trước sự suy yếu của đại dịch Covid-19 thì nỗi lo về cái gọi là biến thể Delta vẫn ngày càng lớn dần.

Tờ The New York Times dẫn lời các quan chức y tế liên bang cho biết, phiên bản dễ lây lan nhất của virus corona hiện diện trong hơn một nửa số ca nhiễm mới ở Mỹ. Sự lây lan của biến thể này buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải triển khai một chiến dịch tiêm chủng mới. Ngoài ra, các quan chức liên bang cũng lên kế hoạch cử các đội y tế tới những cộng đồng đang đối mặt với đại dịch.

Số ca nhiễm, nhập viện và tử vong đang tăng lên nhanh chóng ở những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Arkansas, Missouri, Texas và Nevada và bắt đầu tăng nhẹ ở tất cả các bang khác. Đường cong cũng bắt đầu đi lên ở New York và số ca dương tính ở đây cũng tăng gấp đôi trong vài tuần qua.

Số ca nhiễm tăng làm bùng lên cuộc tranh luận về việc có nên tiêm nhắc lại các mũi vắc xin ngừa Covid-19 hay không. Tại Anh, nơi phần lớn dân số đã được tiêm chủng, biến thể Delta đã tiến nhanh hơn những nỗ lực tiêm chủng, đẩy mục tiêu miễn dịch cộng đồng ra ngoài tầm với và khiến đại dịch chưa thể kết thúc.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, dù số ca nhiễm tiếp tục tăng trong suốt mùa thu thì người Mỹ sẽ không phải chứng kiến sự khủng khiếp từng xảy ra vào mùa đông năm ngoái hay cần tiêm mũi nhắc lại trong tương lai gần.

Tại Mỹ, khu vực phía tây và đông bắc có tỷ lệ tiêm chủng khá cao, trong khi ở phía nam tỷ lệ này khá thấp. Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn về đại dịch Covid-19, từng bày tỏ lo ngại về khoảng cách giữa hai nước Mỹ – những người đã tiêm phòng và không tiêm phòng.

Việc tiêm ngừa Covid-19 ở Mỹ cũng bị chia rẽ theo đường lối chính trị. Những địa hạt bỏ phiếu cho ông Biden thường có mức độ tiêm chủng cao hơn những hạt bầu cho ông Trump. Những người theo phe bảo thủ thường từ chối tiêm phòng hơn so với người theo đảng Dân chủ.

Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, gây ra gần 30 triệu ca nhiễm và ít nhất 400.000 ca tử vong ở nước này. Nó mau chóng lan sang Anh và là nguồn gốc gây ra 99% số ca nhiễm mới. Dữ liệu mà Cơ quan y tế công cộng Anh thu thập được cho thấy, Delta có khả năng lây lan cao hơn 60% so với Alpha. Một số báo cáo cho rằng biến thể Delta dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Bill Hannez, nhà dịch tễ học trường y tế công thuộc Đại học Harvard cho biết, những người đã tiêm phòng không cần lo lắng. Các báo cáo về việc những người đã tiêm phòng đầy đủ nhiễm biến thể Delta ở Israel có thể khiến nhiều người hoảng sợ song hầu hết dữ liệu cho thấy, vắc xin ngăn ngừa bệnh trở nặng, nhập viện và tử vong đối với mọi dạng của virus corona.

Tuy nhiên, ở những nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp, biến thể Delta đã tìm được mảnh đất màu mỡ để phát triển. Tại châu Phi, nơi chỉ có 1% dân số được tiêm phòng đầy đủ, tỷ lệ mắc biến thể này tăng gấp đôi xấp xỉ ba tuần một lần.

Tình hình ở Mỹ không quá tồi tệ vì 60% số người trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ. Ngay cả ở Mississippi – bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, 43% số người trưởng thành đã được vắc xin bảo vệ. Trên toàn nước Mỹ, Covid-19 không còn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu như hồi tháng 1, mà nó đã tụt xuống vị trí thứ 7.

Số ca nhiễm đang tăng nhanh ở những địa hạt nơi có chưa đầy 30% cư dân được tiêm phòng đầy đủ. Xu hướng này sẽ tăng nhanh khi thời tiết lạnh hơn và mọi người chuyển vào trong nhà, nơi virus phát triển mạnh. Trong trường hợp virus lây lan đủ mạnh tại những cộng đồng này, ngay cả những người đã tiêm phòng cũng có nguy cơ lây nhiễm.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 Thế Giớivirus Corona

Các tin liên quan đến bài viết