Nga và Trung Quốc dường như mang tới cho Liên minh châu Âu (EU) những bài học về quyền lực mềm thông qua chiến lược ngoại giao vắc xin ngay trên “sân nhà” của khối này.
Nhiều nước thành viên EU và các quốc gia lân cận đã nhờ cậy Bắc Kinh với Moscow để có thêm nguồn vắc xin ngừa Covid-19 bổ sung, giữa lúc phải đối mặt với sự chậm chạp trong triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà của liên minh, tình trạng thiếu hụt nguồn cung, chậm trễ trong bàn giao các lô vắc xin đã đặt hàng cùng những lo ngại về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Chiến lược đi trước một bước
Trung Quốc đã tài trợ vắc xin Covid-19 miễn phí cho hơn 50 quốc gia khác. Bắc Kinh cũng hướng đến mục tiêu cung cấp vắc xin sớm cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tính tới cuối tháng 3, đại lục đã chuyển giao 115 triệu liều khắp thế giới, trong khi EU mới xuất khẩu 58 triệu liều.
Tại châu Âu, Trung Quốc đã cung cấp vắc xin cho Hungary, nước thành viên EU và 2 ứng viên gia nhập khối gồm Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng cho đăng tải một bức ảnh chụp ông đang được tiêm vắc xin của hãng dược Trung Quốc Sinopharm.
Trong khi đó, vắc xin Sputnik V của Nga ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn trong khu vực. Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) đang xem xét hiệu quả của loại vắc xin này, trong khi chế phẩm đã giành được sự khen ngợi từ người đứng đầu ủy ban thường trực của Đức về tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Đức đã đề cập đến việc khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung ở EU bằng vắc xin do Trung Quốc và Nga phát triển, sau khi chúng được EMA phê duyệt.
Thủ hiến Bavaria Markus Söder thông báo đã đặt hàng sơ bộ 2,5 triệu liều Sputnik V, được sản xuất ngay tại vùng lãnh thổ này. Hồi tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố có “dữ liệu tốt” về Sputnik V và rằng tất cả các loại vắc xin đều được chào đón khi chúng được cơ quan quản lý y tế bật đèn xanh.
Bà Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc hợp tác sản xuất Sputnik V.
Nga đã không bỏ lỡ cơ hội gắn các đề nghị cung ứng hoặc hợp tác sản xuất vắc xin cho Đông Âu và vùng Balkan với thông điệp quyền lực mềm, nêu bật sự hỗ trợ của Moscow đối với các quốc gia nằm trong chính sách mở rộng và khu vực lân cận của EU. Hơn 50 quốc gia đã đặt hàng Sputnik V.
Nga đã xúc tiến chuyển giao vắc xin cho Serbia và Montenegro, trong khi Croatia đã bắt đầu đàm phán với Nga về việc thu mua Sputnik V. Bộ trưởng Y tế Croatia được cho là đã yêu cầu nhà chức trách trong nước cho phép tiêm vắc xin của Nga mà không cần đợi sự chấp thuận của EMA.
CH Séc và Slovakia cũng tìm tới Nga để được cung ứng Sputnik V. Tuy nhiên, Thủ tướng Slovakia Igor Matovic đã từ chức vào tháng 3 sau khi không giành được liên minh cầm quyền chấp nhận quyết định của riêng ông về việc mua 2 triệu liều vắc xin Nga.
Hungary trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tiêm Sputnik V cho dân vào tháng 2/2021, sau khi phê duyệt khẩn cấp việc sử dụng vắc xin này. Áo cũng đàm phán với Moscow về việc mua vắc xin Nga sau khi được EMA hoàn tất đánh giá về chế phẩm. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cáo buộc EMA quá chậm trễ trong việc phê duyệt Sputnik V.
Tham vọng mở rộng cánh cửa địa chính trị
Việc triển khai muộn kế hoạch thu mua và phân phối vắc xin của EU đã mang lại cho Bắc Kinh và Moscow cơ hội thương mại và ngoại giao phù hợp với chiến lược và thông điệp về quyền lực mềm của họ. Trước đó, ngay giai đoạn đầu của đại dịch, Trung Quốc và Nga đã tham gia cung ứng khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế cá nhân cho các nước châu Âu trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm trầm trọng.
Theo tổ chức tư vấn địa chính trị GIS, đối với Trung Quốc, việc xuất khẩu và tài trợ vắc xin cho châu Âu là một phần của “Con đường Tơ lụa y tế”, phần mở rộng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), thể hiện sức mạnh y tế của đại lục cũng như sự tận tâm của họ vì những điều tốt đẹp hơn cho công chúng toàn cầu. Bắc Kinh đồng thời tìm cách chống lại các quan điểm chỉ trích đại lục, thông qua chiến lược ca ngợi thành công kinh tế, các thành tựu khoa học và y tế, văn hóa và ngôn ngữ.
Bắc Kinh đang hoàn tất việc xây dựng Viện Khổng Tử lớn nhất châu Âu ở Serbia, một trong những nước sớm nhận được vắc xin tài trợ từ Trung Quốc.
Tương tự, Moscow cũng muốn tạo dựng ấn tượng rằng nền y học của họ đang vượt trước phương Tây một bước, bất chấp tỷ lệ chủng ngừa bên trong lãnh thổ Nga vẫn còn thấp. Cái tên Sputnik V gợi nhắc tới vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới, do Liên Xô phóng vào không gian năm 1957. Ngày 11/8/2020, Nga đã nhanh chóng trở thành nước có vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê chuẩn sử dụng.
Trong khi đó, EU vẫn thiếu một chiến lược địa chính trị đáng tin cậy cho Balkan, một khu vực bao quanh bởi các nước thành viên EU, vốn vừa là các nhà tài trợ vừa là những nhà đầu tư chính của họ. Cho đến nay, EU đã cung cấp 70 triệu Euro từ các quỹ hiện có để hỗ trợ các nước Balkan mua vắc xin cũng như mang tới gói tài trợ 3,3 tỷ Euro nhằm giải quyết khủng hoảng y tế, trợ giúp đầu tư và kích thích phục hồi.
EU gần đây cũng tăng gấp đôi đóng góp của khối lên 1 tỷ Euro cho COVAX, chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu, vốn dự kiến hỗ trợ cả các nước Balkan và các quốc gia đối tác phía đông. Song, những nỗ lực này không đáp ứng được nhu cầu của các nước láng giềng và các chương trình phòng chống dịch triển khai trong chính EU.
Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu đã chấm dứt quyền miễn trừ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vắc xin của EU dành cho các nước Balkan, càng làm giảm khả năng tác động sức mạnh mềm của liên minh đối với khu vực.
Lựa chọn chiến lược
Trên chuyên trang phân tích của GIS, cây bút Michael Leigh tin rằng EU chưa hẳn đã mất “quyền lực mềm” ở sân nhà về tay Nga và Trung Quốc. Nếu một số chính phủ ở Balkan và Đông Âu dường như ưu tiên vắc xin Covid-19 của hai nước này thì đó chỉ nhằm đối phó với sự chậm trễ trong giao hàng của các nhà cung ứng phương Tây, không phải một lựa chọn chiến lược.
Song, EU được khuyến nghị nên củng cố vị thế của liên minh trong khu vực bằng các chính sách bao trùm hơn, bày tỏ tín hiệu rõ ràng hơn và các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm chống lại thông tin sai lệch.
EU cũng cần đẩy nhanh việc cung cấp vắc xin thông qua COVAX và bổ sung các khoản tài trợ khác khi việc triển khai chủng ngừa bên trong khối đang tăng tốc. Liên minh được đề nghị nên cân nhắc khôi phục miễn trừ cho phía tây Balkan khỏi cơ chế kiểm soát xuất khẩu vắc xin.
Nguồn: vietnamnet