Khi tòa án điện tử được sử dụng thì mọi quy trình có thể minh bạch; mỗi thẩm phán, chánh án sẽ mỗi có một trợ lý ảo hỗ trợ và niềm tin vào công lý của người dân sẽ nâng cao.
Xây dựng tòa án điện tử là xu thế tất yếu
Sáng 14/7, Bộ TT&TT và Toàn án nhân dân tối cao đã tổ chức hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng xây dựng tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại và hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng chia sẻ, đến thời điểm này nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Úc…đã hoàn thành xong giai đoạn xây dựng tòa án điện từ và đang xây dựng tòa án số để tiến tới xây dựng tòa án thông minh. Còn tại Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử nhằm kịp thời thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp của hệ thống tòa án.
Ký kết chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử giữa Bộ TT&TT và Tòa án nhân dân tối cao. |
Đại diện tòa án nhân dân tối cao chia sẻ việc ứng dụng CNTT trong hoạt động tòa án trong thời gian qua mới chỉ ở những bước đầu nhưng cũng đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành.
Trong đó phải kể đến hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu; việc công khai bản án, quyết định của Tòa án và Án lệ lên Cổng thông tin Tòa án nhân dân tối cao; phần mềm quản lý đơn đề nghị đề đốc thẩm, tái thẩm hay các dịch vụ công đăng ký trực tuyến, gửi/nhận đơn kiện…
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là ứng dụng CNTT trong ngành còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trước tiên là cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT của tòa án các cấp về cơ bản còn yếu kém, lạc hậu; nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT của tòa án nhân dân địa phương còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nên cũng ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai ứng dụng CNTT.
Trong khi đó, nhiều hoạt động tố tụng chưa được luật quy định theo hưởng cho phép ứng dụng CNTT để thực hiện.
Đó là chưa kể đến thực tế hiện nay còn nhiều đơn vị, nhiều lãnh đạo các toà án địa phương chưa nhận thức hết tầm quan trọng, lợi ích to lớn của việc tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn nên tha lỏng, chỉ đạo chưa sát sao và quyết liệt, dẫn đến tâm lý ngại thay đổi ở nhiều cán bộ, công chức.
Mỗi cán bộ tòa án có một trợ lý ảo
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, người dùng quyết định sự phát triển công nghệ nhiều hơn là người sáng tạo ra công nghệ. Bởi vậy, nếu tòa án đi đầu về ứng dụng công nghệ mới, đi đầu về sử dụng các nền tảng số mới thì tòa án sẽ thông minh hơn, các công nghệ sẽ được hoàn thiện tại tòa án thay vì tại các nước sinh ra công nghệ gốc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số ở Việt Nam có sự khác biệt vì nhiều việc của giai đoạn một, giai đoạn hai vẫn chưa xong và cũng không nhất thiết phải thực hiện tuần tự mà là “ba trong một”. Đây là đặc điểm lớn nhất của chuyển đổi số ở Việt Nam. Nhờ đó, các công nghệ số mới nhất sẽ giúp chuyển đổi số nhanh và rẻ hơn.
“Cái may mắn của toà án là giai đoạn một và hai chưa làm được nhiều và vì vậy mà có cơ hội ứng dụng những nền tảng số hiện đại nhất để đẩy nhanh chuyển đổi số”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho biết chúng ta đang chuyển từ thế giới thực vào thế giới online. Những gì chúng ta đang làm trong thế giới thực thì sẽ có một phiên bản như vậy trên môi trường số. Vì vậy, việc đầu tiên sẽ là toà án online. Bộ trưởng cho rằng việc này không khó vì nhiều nước đã làm và cho thấy lợi ích.
“Toà án có thể bắt đầu bằng việc thí điểm. Nền tảng số để phục vụ cho việc này thì doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể phát triển”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số tòa án thì nội dung quan trọng là chuyển đổi số đối tượng phục vụ – ở đây là người dân. Công khai án và án lệ để người dân có thể truy cập qua mạng là bước đầu tiên.
“Một trợ lý ảo để người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý là bước tiếp theo. Một nhà tư vấn ảo, người dân đưa vào các thông tin để hỏi nhà tư vấn này xem xác suất thắng kiện là bao nhiêu %, là chuyển đổi số mức cao. Tất cả những nội dung này nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thực tế triển khai thì không phức tạp và có thể mang lại giá trị thực tiễn rất lớn cho người dân”, Bộ trưởng nói.
Chia sẻ về tầm nhìn của mình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng trong xây dựng tòa án điện tử, tòa án thông minh có rất nhiều việc phải làm nhưng cần 4 việc quan trọng đó là: Quyết tâm chính trị, hạ tầng công nghệ, hạ tầng pháp lý và yếu tố con người.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết với lượng thông tin lớn, hội nghị chuyển đổi số với Bộ TT&TT có thể mở ra tầm nhìn mới, kiến thức mới và là bước mở đầu trong cuộc cách mạng mới của ngành.
“Trong tương lai gần, chúng ta có thể có những bước chuyển mình nhanh và nếu như chúng ta sử dụng được hệ thống này thì niềm tin vào công lý của người dân sẽ rất cao”.
“Tiện ích mà chuyển đổi số mang lại rất nhiều, tôi cũng chỉ giới thiệu trong một thời gian ngắn như vậy nhưng với một mong muốn cháy bỏng là chúng ta cùng quyết tâm làm cuộc cách mạng này”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Nguồn: vietnamnet