Thứ trưởng Y tế nhận định, việc thực hiện giãn cách xã hội tại Bình Dương chưa thực sự nghiêm túc, phòng chống dịch chưa hiệu quả.
42 ổ dịch chưa được kiểm soát
Chiều 13/7, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trong ngày 13/7, Bình Dương ghi nhận thêm 186 ca Covid-19, nâng tổng số mắc toàn tỉnh lên 1.814 ca, vượt Bắc Ninh, trở thành địa phương có số ca mắc nhiều thứ 3 cả nước.
BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, xuất hiện nhiều ca bệnh tại các công ty đan xen với khu nhà trọ đông công nhân.
Hiện chỉ có 4 ổ dịch đã được kiểm soát, 42 ổ chưa kiểm soát được, trong đó 20 ổ dịch trong tỉnh, 10 ổ dịch lây lan thứ phát có nguồn lây từ các ổ dịch tại TP. HCM và 12 điểm dịch chưa rõ nguồn lây qua test nhanh tại các cơ sở y tế.
“Nhiều ca bệnh được phát hiện tại cơ sở y tế qua test nhanh gia tăng, như vậy có thể khẳng định nguồn bệnh đã có nhiều trong cộng đồng”, ông Chương lo lắng.
Ngành y tế Bình Dương dự báo ca bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong khoảng 10 ngày tới khi tăng cường lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Trong 10 ngày tới cần đồng bộ các giải pháp của y tế và quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội sẽ bắt kịp được tốc gia tăng của dịch và kiểm soát được tình hình.
Phải giãn cách mạnh hơn
Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh, trong 1 ngày ghi nhận hơn 100 ca mắc trong cộng đồng thì cần phải ngay lập tức thực hiện nghiêm nhất việc giãn cách xã hội giữa huyện với huyện, xã với xã, tổ dân phố với tổ dân phố, nhà với nhà, người với người.
Thứ trưởng Thuấn kiểm tra phòng cách ly cho công nhân tại công ty Saigon Stec
“Việc cấp bách nhất lúc này là tập trung kiểm soát và phòng chống dịch xâm nhập, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thậm chí còn hơn Chỉ thị 16”, Thứ trưởng Thuấn nói.
Hiện tại, Bình Dương mới chỉ áp dụng giãn cách Chỉ thị 16 với TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên.
Theo Thứ trưởng Y tế, qua báo cáo của Tổ công tác Bộ Y tế tại Bình Dương, việc thực hiện giãn cách xã hội còn chưa thực sự nghiêm túc.
“Chúng tôi không nhắc nhở hay kiểm điểm gì đối với các đơn vị mà Bộ Y tế chỉ đề nghị tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố… quán triệt thực hiện và tuyệt đối tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng chống dịch”, Thứ trưởng nêu rõ.
Để thực hiện giãn cách cần dừng ngay các dịch vụ không thiết yếu, chợ đầu mối, hàng rông.. có phương án phân bổ cung ứng hàng thiết yếu cho người dân, hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.
TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế bày tỏ sự lo ngại khi trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn nhiều người dân không thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16, trong khi tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp.
“Qua số liệu cho thấy, số ca phát hiện qua tầm soát bệnh nhân vào khám tại các cơ sở y tế, số ca phát hiện tại cộng đồng có xu hướng tăng nhanh. Như vậy, do Bình Dương chưa thực hiện tầm soát xét nghiệm diện rộng tại cộng đồng. Trong cộng đồng còn rất nhiều ca mắc mà chưa được phát hiện ra. Như vậy, có thể đang âm ỉ tồn tại các ổ dịch, sắp bùng phát dịch trên diện rộng trong một vài tuần tới nếu không có các biện pháp chỉ đạo quyết liệt triển khai”, TS Nam lo lắng.
Thứ trưởng cho rằng, tỉnh cần tập trung dập các ổ dịch, đặc biệt là các ổ dịch mới ghi nhận như tại Công ty Wanek 2 ở TP. Thủ Dầu Một, chuỗi lây nhiễm ở phường Tân Phước Khánh – Tân Uyên, Công ty Vietnam House Wares… và tiếp tục kiểm soát các ổ dịch cũ tại khu nhà trọ số 57 đường 21, khu nhà trọ 36 Đức Tân…
“Tôi thấy trong thời gian vừa qua, việc phòng chống dịch chưa được hiệu quả. Mặc dù có nhiệm vụ vẫn phải đảm bảo sản xuất nhưng thời điểm này, quyết liệt phòng chống dịch phải được đặt lên hàng đầu, phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, không thể lấy lý do lo sản xuất kinh doanh mà không phòng chống dịch quyết liệt”, Thứ trưởng Y tế nói rõ.
Trong tình hình hiện nay, cần quy trách nhiệm với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu để dịch lây lan. Tỉnh phải có kế hoạch cụ thể các phương án phòng chống dịch, giao từng cơ quan thực hiện và phải có dự báo tình hình dịch, nguy cơ lây lan trong cộng đồng để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Ông Thuấn cho hay, trong phòng chống dịch Covid-19, kinh nghiệm tại các tỉnh và trên cả nước cho thấy một mình ngành y tế là không đủ, cần sự vào cuộc của tất cả các lực lượng ở địa phương như công an, quân đội, chính quyền các cấp và cả hệ thống y tế tư nhân.
Tạo điều kiện để các địa phương không còn sợ… mua sắm
Bình Dương là tỉnh có rất nhiều khu công nghiệp lớn. Do vậy, đảm bảo an toàn cho khu vực sản xuất là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Bài học kinh nghiệm từ các địa phương có ca lây nhiễm trong khu công nghiệp cho thấy việc chống dịch rất vất vả và tốn kém, mất nhiều thời gian, chưa kể việc ngừng sản xuất khiến các doanh nghiệp, địa phương và người dân chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Theo ông Thuấn, việc chống dịch tại các khu công nghiệp cần thực hiện khoa học và nghiêm túc, doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các quy định cần cho ngừng sản xuất. Để duy trì sản xuất, có thể phân thành các nhóm sản xuất nhỏ.
Nếu công nhân ở nội trú, cần bố trí ở cùng nhau, sinh hoạt hàng ngày với nhau, đi làm cùng nhau và cùng làm tại đơn vị sản xuất với nhau.
Các nhóm này phải không được tiếp xúc với nhóm khác kể cả trong nhà máy hay nơi ở để hạn chế nguy cơ lây lan, trường hợp có người mắc có thể khoanh vùng và xử lý nhóm nhỏ, ít gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy, doanh nghiệp.
Nếu công nhân không ở cùng nhau, cần khuyến cáo hạn chế giao lưu, khi vào làm đi cùng nhau cùng thời điểm, không đi cùng hay tiếp xúc các nhóm khác.
Ngoài ra cần lưu ý cho công nhân vào nhà máy theo 1 chiều, thường xuyên khử khuẩn nhà máy, phương tiện vận chuyển công nhân, vận chuyển hàng hóa.
Thứ trưởng cho rằng địa phương cần thực hiện 4 tại chỗ, chỉ khi thực sự không thể tự đảm bảo được mới đề xuất, huy động sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Chính phủ và các Bộ, ngành.
Thực tế hiện nay, tỉnh chưa có phương án về nhân lực chống dịch, chưa rõ cần bao nhiêu người, cho hoạt động nào, có thiếu không và thiếu ở vị trí nào, bác sĩ hay kĩ thuật viên?
“Nếu tỉnh thấy thực sự thiếu, chúng tôi sẽ huy động sinh viên, giảng viên các cơ sở đào tạo của Bộ hoặc địa phương khác hỗ trợ, còn nếu chưa cần thì chúng ta sẽ ưu tiên chỗ khác cần hơn”, Thứ trưởng nêu quan điểm.
Để tháo gỡ việc mua sắm, đấu thầu các trang thiết bị, sinh phẩm chống dịch, Bộ Y tế đang rà soát, sắp tới trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh một số Luật như: Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược, Luật Đấu thầu, Luật giá… để tạm thời không áp dụng một số điều của các Luật này trong điều kiện cấp bách phòng chống dịch.
Về điều trị, Bình Dương báo cáo có thể đáp ứng 4.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19, như vậy Thứ trưởng Thuấn cho rằng số lượng này còn rất ít với tốc độ gia tăng bệnh nhân như hiện này.
Vì vậy Bộ Y tế đề nghị tỉnh xây dựng phương án dự phòng cho số lượng lớn hơn trong thời gian tới và có phương án trang bị thiết bị cho những địa điểm này.
Hiện nay tỉnh đã có 1 trung tâm hồi sức tích cực ICU và đang triển khai thêm 1 ICU để có tổng 150 giường. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa để tỉnh hoàn thiện 2 trung tâm này, nếu thiếu người, Bộ Y tế sẽ cử người hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cảm ơn sự chi viện của Bộ Y tế và cho biết, ngay ngày mai tỉnh sẽ thực hiện ngay các biện pháp chống dịch quyết liệt.
Nguồn: vietnamnet