Người lao động trong lĩnh vực bán lẻ chịu nguy cơ lây nhiễm cao khi hàng ngày tiếp xúc hàng trăm lượt khách. Họ lo lắng cho an toàn sức khoẻ, có nhiều người xin nghỉ việc vì lo sợ nguy cơ khi chưa được tiêm vắc xin.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Thành phố Hồ Chí Minh đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ngay sau đó, vấn đề cung ứng hàng hóa, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho người dân được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh các chợ truyền thống phải đóng cửa hàng loạt.

Ngay sau khi thực hiện giãn cách xã hội, những siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh đã chứng kiến cảnh người dân ùn ùn vào siêu thị mua hàng. Tình hình đó đã tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan vào các hệ thống bán lẻ và các doanh nghiệp sản xuất.

Bán hàng ngày đêm trong vùng dịch, nhân viên siêu thị nguy cơ lớn
Nhân viên bán lẻ hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều khách hàng.

Bộ Công Thương lập tức triển khai cuộc họp, nhằm đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Yêu cầu cấp bách được đưa ra là cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch. Một trong những nhiệm vụ được đưa ra là kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ để sẵn sàng các nguồn hàng hóa thiết yếu bảo đảm cung ứng cho  người dân tại các địa phương trong mọi tình huống…

Đại diện một doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cho hay: Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ và Bộ Công thương, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ đang ngày đêm dốc toàn lực để cung ứng đầy đủ và thường xuyên hàng hóa nhu yếu phẩm, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Không chỉ bán tại điểm cố định mà còn phải tổ chức cung ứng lưu động cho các điểm có nhu cầu đột xuất. Vượt qua mọi khó khăn trong vận tải hàng hoá ra vào Thành phố khi lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính và chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày. Chợ đóng, siêu thị gánh nhiệm vụ tăng lên gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, theo Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 8/7 về Kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022, nhóm nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng nhu yếu phẩm không nằm trong nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu.

Trước đó, Bộ Công Thương, Hiệp hội Bán lẻ cũng đã có văn bản kiến nghị bổ sung đối tượng này vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin nhằm bảo vệ lực lượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh. Nhưng, việc quyết định mới nhất của Bộ Y tế vẫn chưa đưa lực lượng này vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin.

Một cán bộ phụ trách vấn đề phân phối – bán lẻ của Bộ Công Thương cho biết khi thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng bán lẻ tại các siêu thị, cơ sở bán hàng thiết yếu vẫn hoạt động. Họ tiếp xúc với rất nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm cao. Vì thế, việc ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng này là cần thiết. Điều này không chỉ bảo vệ cho nhân viên mà cũng là giúp bảo vệ cộng đồng vì siêu thị là nơi liên tục có nhiều người qua lại, nhân viên tiếp xúc rất nhiều người.

Đáng nói, đằng sau các siêu thị là các chuỗi sản xuất, chế biến như nhà máy, trang trại, vận chuyển, giao nhận… đây là nền tảng đảm bảo ổn định hàng hoá, giá cả… nhưng hiện nay cũng đứng trước các nguy cơ khi Covid-19 tấn công vào các KCN, nhà máy, vùng sản xuất… gây lo ngại lớn về ổn định nguồn cung hàng hoá và giá cả trong thời kỳ chống dịch.

Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng: Việc đưa nhân viên bán lẻ vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin là việc nên làm. Bởi lẽ, hàng ngày họ tiếp xúc với hàng nghìn người, nếu họ bị lây nhiễm Covid-19 thì sẽ khiến lây cho rất nhiều khách hàng, lây trong nội bộ doanh nghiệp bán lẻ.

Thống kê sơ bộ cho thấy, số nhân viên của hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam hơn 22 nghìn người. Tính chung toàn ngành con số này là rất lớn. Kéo theo đó, là hàng chục nghìn nhân viên trong các nhà máy sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hoá… đang căng mình cung cấp hàng hoá xuyên suốt tại mọi vùng dịch và cả nước. Nếu bị dịch xâm nhập, không chỉ các DN bị ảnh hưởng mà công tác giãn cách phòng chống dịch cũng sẽ khó khăn hơn.

“Ví dụ hiện nay ở Sài Gòn, các chợ truyền thống hầu như phải đóng cửa, người dân phải vào mua hàng ở các siêu thị. Cho nên ngoài các đối tượng ưu tiên khác, cần thiết tiêm vắc xin cho các nhân viên bán lẻ”, ông Phú nói và kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung tìm kiếm nguồn vắc xin và đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước.

Đại diện một doanh nghiệp cho hay: Người lao động trong lĩnh vực bán lẻ tiếp xúc cao với các nguy cơ lây nhiễm khi hàng ngày tiếp xúc hàng trăm lượt khách. Họ lo lắng cho an toàn sức khoẻ và có xu hướng xin nghỉ việc nếu không được tiêm vắc xin.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bán lẻhàng hóasiêu thịvắc xin

Các tin liên quan đến bài viết