Đầu tháng 7, một số ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Vậy, gửi tiền vào ngân hàng nào sinh lời cao nhất hiện nay?

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng biến động

Đầu tháng 7, một số ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm. Trong khi một số ngân hàng tiến hành tăng lãi suất huy động thì cũng có nhiều nhà băng giảm lãi suất huy động.

Trong đó, từ tháng 7, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Cụ thể, với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất huy động tại nhà băng này tăng lên 3,1%/năm thay vì mức 2,9%/năm như trước. Với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất huy động tại Vietcombank tăng lên mức 3,4%/năm, trước là 3,2%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất huy động của ngân hàng này là 4%/năm thay vì mức 3,8%/năm như các. Các kỳ hạn 12 tháng, 18 và tháng 24 tháng, ngân hàng này vẫn giữ nguyên mức lãi suất như tháng trước.

Cùng chung xu hướng, lãi suất huy động tại ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) tiếp tục được điều chỉnh tăng tại nhiều kỳ hạn so với đầu tháng trước. Trong đó, lãi suất huy động ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng cùng tăng 0,1 điểm %; lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6-12 tháng tăng 0,2 điểm %; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tăng 0,1 điểm %; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng tăng 0,2 điểm %; các kỳ hạn từ 18-36 tháng tăng 0,1 điểm %.

Lãi suất bắt đầu tăng, gửi tiền ngân hàng nào lợi nhất

Tuy nhiên, cũng có ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động. Đầu tháng 7 này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn so với đầu tháng trước. Trong đó, các kỳ hạn từ 1-36 tháng có cùng mức giảm là 0,2 điểm %. Theo sự điều chỉnh này, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3%/năm; 3 tháng còn 3,4%/năm; 6 tháng còn 4,8%/năm, 12 tháng còn 5,5%/năm…

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), từ 3/7, lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn được điều chỉnh. Theo đó, một số ít kỳ hạn được giữ nguyên hoặc tăng lãi suất, nhưng đa số lãi suất tại các kỳ hạn được điều chỉnh giảm. Đơn cử,  lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 1 tháng giảm 0,18 điểm % so với tháng trước. Với các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng, VPBank tiến hành giảm đồng loạt 0,2 điểm %. Còn lãi suất ở kỳ hạn 2 tháng áp dụng cho số tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên tăng 0,1 điểm % so với trước, còn lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 3 tháng áp dụng với số tiền trên 50 tỷ đồng tăng 0,05 điểm % so với tháng trước.

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiết kiệm trong tháng 7 chưa biến động nhiều. Một số ngân hàng tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động nhưng chỉ ở mức tăng, giảm nhẹ. Việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng, giảm đan xen ở các ngân hàng là diễn biến bình thường, tùy vào nhu cầu huy động vốn của mỗi ngân hàng ở từng giai đoạn.

Mới đây, có đề xuất đưa lãi suất tiết kiệm về 0% nhưng biểu lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng không những giảm mà còn có xu hướng tăng. Xu hướng tăng lãi suất huy động đã có từ cuối quý II/2021 và vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Công ty Chứng khoán SSI nhận định, lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng ngay từ đầu quý III/2021 với mức tăng khoảng 0,5 điểm % trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay.

Còn Công ty chứng khoán VNDirect dự đoán lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ̣ 0,25-0,3 điểm % trong nửa cuối năm nay do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao…

Gửi tiền vào ngân hàng nào lãi suất cao nhất?

Theo biểu lãi suất tại 30 ngân hàng trong nước vào ngày 7,7, Ngân hàng Phương Đông (OCB) là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay, tới 8,2%/năm. Để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần có 500 tỷ đồng trở lên và gửi tại kỳ hạn 13 tháng với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.

Vị trí tiếp sau là ACB với mức mức lãi suất 7,4%/năm dành cho các khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.

Techcombank đứng ở vị trí thứ ba với lãi suất 7,1%/năm, áp dụng cho khách gửi từ 200 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 12 tháng

Lãi suất bắt đầu tăng, gửi tiền ngân hàng nào lợi nhất

Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, như: MSB (7%/năm), LienVietPostBank (6,99%/năm), HDBank (6,95%/năm)… Nhưng để được hưởng mức lãi suất cao, khách hàng cần đáp ứng điều kiện về số tiền gửi tối thiểu theo quy định riêng của mỗi ngân hàng.

Trong khi đó, ở từng kỳ hạn, lãi suất huy động có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng.

Cụ thể, với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm tại quầy ở mức 2,85-4%. GPBank là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này.

Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động gửi tại quầy được niêm yết trong khoảng 3-4%. GPBank vẫn là ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này.

Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy dao động quanh mức 4-6,25%. CBBank là ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này.

Ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động tại quầy dao động quanh mức 4-6,4%. Ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này thuộc về NCB.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 4,7-6,8%. Mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này đang thuộc về SCB.

Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5-6,7%. Lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này thuộc về NCB.

Ở kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5-6,7%. Ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này là NCB.

Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5-7%. VRB là ngân hàng đứng ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở kỳ hạn này.

Lãi suất tiết kiệm gửi online tại các kỳ hạn thường cao hơn từ 0,15-0,2% so với lãi suất gửi tại quầy.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : gửi tiết kiệmlãi suấtlãi suất huy độnglãi suất ngân hàng

Các tin liên quan đến bài viết