Tính đến trưa 10-7, số ca mắc COVID tại TP.HCM đã tăng lên 11.415. Trước diễn biến số ca tăng nhanh như vậy, TP.HCM lên phương án đến từng ngõ, gõ từng nhà tìm F0 để có hướng xử lý.
Chu kỳ phát sinh ca nhiễm ngày càng rút ngắn
Hôm nay là ngày thứ 2 TP.HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ. Số ca mắc chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí tăng cao ở mức 4 con số. Ngày 9-7, TP có đến 1.229 ca mắc mới được Bộ Y tế công bố – cao nhất kể từ ngày 27-4 đến nay.
Trước đó, TP.HCM ghi nhận 5.000 ca mắc trong vòng 1 tháng rưỡi (từ 18-5 đến 3-7). Còn lần này TP ghi nhận 5.000 chỉ trong 6 ngày (từ 3-7 đến 9-7). Tính trung bình mỗi ngày TP ghi nhận trên 800 ca mắc mới. Điều này cho thấy chu kỳ phát sinh dịch ở TP.HCM đang rút ngắn, mức độ lây nhiễm tăng cao và có quy mô dàn trải ở nhiều quận, huyện.
Đứng trước thách thức này, Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền TP.HCM đang có nhiều chiến lược quyết tâm “dọn sạch” các ổ dịch trong vòng 15 ngày giãn cách: lập Sở chỉ huy chống dịch, Trung tâm điều phối xét nghiệm; lập trung tâm xét nghiệm dã chiến 10.000 mẫu/ngày; nâng công suất các bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân lên 20.000 ca mắc; triển khai cách ly F1 tại nhà…
Thay đổi chiến lược
Chiến thuật chống dịch tại TP.HCM cũng được thay đổi: đến từng nhà lấy mẫu xét nghiệm. Người dân có biểu hiện ho, sốt chỉ cần gọi điện lên cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn, trong vòng 30 phút đến 1 tiếng sẽ có đội lưu động tới lấy mẫu, tránh tối đa di chuyển dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.
Từ thực tiễn hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TPHCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM – đề xuất bên cạnh lực lượng hỗ trợ công tác phòng chống dịch cần có lực lượng hỗ trợ về quản lý điều hành.
Trước mắt ông xác định một số điểm nóng cần có từ 2-3 chuyên gia của Bộ Y tế nhằm phối hợp chỉ đạo công tác chống dịch ở các địa bàn, bao gồm TP Thủ Đức, quận 8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.
Đối với các khu vực nguy cơ cao và rất cao sẽ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình (tất cả các thành viên trong một gia đình được thực hiện chung một mẫu).
Trong đó khu vực nguy cơ rất cao nên được tầm soát với tần suất 3 ngày/lần, với các khu vực nguy cơ cao thực hiện 1 tuần/ lần nếu có điều kiện thực hiện tiến hành nâng cao tần suất; đối với các khu vực nguy cơ sẽ được tiến hành tầm soát theo hộ gia đình.
Bộ Y tế cũng quyết định điều động 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và các đơn vị địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung để hỗ trợ lực lượng y tế TP.HCM trong việc phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời cử 25 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tới TP.HCM tham gia công tác chống dịch theo sự điều phối của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn.
Những người được điều động đều từng đã tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh; đều có kinh nghiệm “trận mạc” dày dạn được phân đến các quận, huyện nơi có dịch nóng nhất.
Với sự chung sức, đồng lòng, tất cả vì TP.HCM như vậy, không có lý do gì chúng ta không tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi…
Có ca nhiễm, một công ty cho 4.000 công nhân nghỉ 14 ngày
Sáng 10-7, toàn bộ công nhân Công ty TNHH Long Rich (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức) đã được thông báo nghỉ 14 ngày (từ ngày 10-7 đến 24-7) để phòng dịch. Trước đó công ty đã phát hiện một số ca F0 và hiện có khoảng hơn 20 F1 đang cách ly tại công ty.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, chủ tịch công đoàn công ty, cho biết công ty có khoảng 3.600 công nhân đang cư trú tại Bình Dương. Trước quy định địa phương cách ly 7 ngày người đến từ TP.HCM của Bộ Y tế, công ty sẽ phải bố trí cho công nhân ở lại.
“Do điều kiện nhà xưởng chật hẹp, không đủ nhà tắm, nhà vệ sinh để phục vụ cho công nhân đang cư trú tại Bình Dương ở lại, công ty cũng tính phương án chia ca sản xuất, giảm lượng người trong chuyền để giãn cách. Tuy nhiên thời gian quá gấp rút, rất nhiều công nhân không sắp xếp được việc gia đình nên không thực hiện được”, bà Vân cho biết thêm.
Trước đó, 2 doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) cũng đã tạm ngưng sản xuất 15 ngày.
Cụ thể, Công ty TNHH Điện cơ Solen với khoảng 600 công nhân ngừng hoạt động 15 ngày (bắt đầu từ ngày 9-7, công ty TNHH Hung Way chuyên sản xuất găng tay trượt tuyết với khoảng 1.300 công nhân ngừng hoạt động 15 ngày, kể từ ngày 8-7.
Ngày 9-7, công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức) với gần 21.000 lao động cũng được cho tạm nghỉ làm việc vào ngày 10-7 sau khi phát hiện một số ca F0 trước đó.
Hiện công ty đang chờ thông báo mới từ Ban Quản lý Khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM.
Nguồn: tuoitre.vn