Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đối với người dân trong độ tuổi 18 – 65 trên địa bàn.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc rà soát, đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đối với người dân trong độ tuổi 18 – 65 trên địa bàn là để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế và chủ động triển khai tiêm chủng cho người dân Thủ đô trong năm 2021 đảm bảo tiến độ và an toàn.
Theo hướng dẫn, tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, người dân được yêu cầu đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 qua phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử” theo đường link https://hssk.kcb.vn/#/sskdt
Trường hợp không sử dụng smartphone, người dân sẽ thực hiện đăng ký bằng giấy và gửi về UBND xã, phường, thị trấn. Khi đó, UBND xã, phường, thị trấn sẽ chỉ đạo các lực lượng của địa phương nhập nội dung tại bản đăng ký giấy vào hệ thống phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”.
Hà Nội tổ chức cho người dân đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 qua phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”. |
“Sổ sức khỏe điện tử” là ứng dụng di động dành cho người dân được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Được xây dựng với mục tiêu giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân, ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” đã được cung cấp cho các thiết bị sử dụng 2 hệ điều hành phổ biến là Android và iOS.
Ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” cùng với Hệ thống quản lý và chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là 2 nền tảng được Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia khuyến nghị sử dụng để vừa hỗ trợ tiêm chủng vắc xin Covid-19 nhanh, an toàn, thuận tiện vừa tạo lập dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân.
Để đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 qua phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”, ngoài việc truy cập vào đường link https://hssk.kcb.vn/#/sskdt và chọn ứng dụng tải về, người dân Hà Nội có sử dụng smartphone còn có thể tải và cài đặt app “Sổ sức khỏe điện tử” từ các kho ứng dụng Google Play và Apple Store.
Sau khi đã tải và cài đặt ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, người dùng cần đăng ký tài khoản theo 4 bước: Mở ứng dụng; Nhấn vào biểu tượng “Đăng ký”; Nhập các thông tin đăng ký gồm họ và tên, số điện thoại, mật khẩu (nhập 2 lần mật khẩu giống nhau để đảm bảo tính xác thực); Nhấn vào biểu tượng “Tiếp theo” để lưu thông tin đăng ký tài khoản.
Tiếp đó, người dùng cần thực hiện đăng nhập ứng dụng bằng cách nhập tài khoản (số điện thoại), mật khẩu vừa đăng ký vào các ô tương ứng trên giao diện và đăng nhập vào ứng dụng.
Sau khi đọc các thông tin tại giao diện “Phiếu đồng ý”, tích chọn vào ô đồng ý tiêm chủng và nhấn “Xác nhận” để đăng ký tiêm. Màn hình giao diện “Đăng ký thành công” hiển thị.
Trước đó, vào ngày 7/5, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022, với các mục tiêu cụ thể: 95% đối tượng nguy cơ và người dân được tiêm chủng đủ mũi vắc xin phòng Covid-19 theo từng đợt phân bổ vắc xin; đồng thời đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19.
Để triển khai kế hoạch này, trong năm 2021 và 2022, Hà Nội sẽ huy động tối đa các lực lượng gồm các cơ sở y tế trên toàn thành phố, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin và đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân.
Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo thứ tự ưu tiên và tiêm chủng miễn phí cho tất cả các đối tượng, theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các các cơ sở tiêm chủng cố định, lưu động và hình thức tiêm chủng thường xuyên.
Theo lộ trình, Thành phố sẽ tổ chức tiêm cho đối tượng ưu tiên theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế; việc tiêm cho đối tượng khác (đối tượng 2) sẽ được triển khai trên cơ sở nguồn cung vắc xin từ nguồn nhập khẩu hoặc nguồn sản xuất trong nước.
Đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Hà Nội được phân thành 2 nhóm. Trong đó, đối tượng 1 (đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 ngày 26/2/2021 của Chính phủ) gồm có:
– Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch (người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia chống dịch; Công an; Quân đội);
– Nhân viên, cán bộ ngoại giao làm việc tại Việt Nam và của Việt Nam được cử đi nước ngoài;
– Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…;
– Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo;
– Người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch;
– Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;
– Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài;
– Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Đối tượng 2 là những người từ 18 đến 65 tuổi không thuộc các nhóm đối tượng nêu trên.
Nguồn: vietnamnet