2. Hiện tại nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh Bình Phước lớn trong khi nguồn lực hiện có của tỉnh hạn hẹp. Các nhu cầu đầu tư về sửa chữa trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học hiện chưa được bố trí vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định đối với các địa phương có mật độ dân số thấp (dưới 1 triệu người) bố trí từ 3-5% tổng chi thường xuyên để đảm bảo cho nhu cầu sửa chữa, củng cố trang thiết bị làm việc tại các cơ quan, đơn vị…
Về vấn đề trên, Bộ Tài chính giải đáp cụ thể tại Công văn số 1357/BTC-NSNN ngày 12/01/2017:
1. Thực hiện quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, trên cơ sở đánh giá Quyết định 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2011 và khả năng ngân sách nhà nước năm 2017, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 ngày 04/10/2016 ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2017, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách năm 2017-2020. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017.
Trong quá trình xây dựng định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên năm 2017, Bộ Tài chính cũng nhận được các kiến nghị tương tự như kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước nêu trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, nợ công sát trần cho phép và thực hiện chủ trương chung về cơ cấu lại ngân sách để dành nguồn cho tăng chi đầu tư phát triển cũng đòi hỏi phải tiết kiệm trong từng lĩnh vực chi thường xuyên trong đó có cả giáo dục, đặc biệt là tiết kiệm chi quản lý hành chính. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cử tri tỉnh Bình Phước cũng chia sẻ khó khăn chung của cả nước.
2. Tại khoản 1 Điều 21 của Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 quy định: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khó khăn hoặc có dân số thấp, được phân bổ thêm theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số như sau: Các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được phân bổ thêm 9%; các địa phương có dân số dưới 400 nghìn dân được phân bổ thêm 16%;
Các địa phương có dân số từ 400 nghìn dân đến dưới 600 nghìn dân được phân bổ thêm 14%; các địa phương có dân số từ 600 – 900 nghìn dân được phân bổ thêm 12%. Trường hợp địa phương đáp ứng từ hai tiêu chí trở lên, chỉ được phân bổ theo tiêu chí hỗ trợ cao nhất“. Đối với tỉnh Bình Phước theo thông báo của Tổng cục Thông kê thì dân số năm 2017 là 968.631 người, không nằm trong số các tỉnh có dân số thấp được tăng thêm định mức.