100% F0 phải được điều tra trong vòng 1 giờ, F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ, những người tiếp xúc với F0 được phân loại mức độ nguy cơ để quyết định phương án xử lý…

Cao điểm chống dịch ở TP.HCM: Phải nhanh & quyết liệt! - Ảnh 1.

Công ty Nidec Sankyo trong Khu công nghệ cao TP.HCM ngày 3-7 đã tạm dừng hoạt động vì có 91 ca nghi nhiễm COVID-19 (ảnh chụp chiều 4-7) 

Đó là chiến thuật chống dịch mới mà TP.HCM vừa đưa ra trong bối cảnh ca mắc ngày một tăng cao.

Nhiều điểm mới trong xét nghiệm, truy vết

Những ngày này công tác lấy mẫu xét nghiệm truy tìm F0 đang được khẩn trương triển khai ở khắp các quận, huyện của TP.HCM. Sau một số lần bị đánh giá “chệch choạc”, ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 4-7 tại điểm Trường mầm non Hoàng Yến (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện khá bài bản, khoa học và an toàn.

Tại đây các gia đình được thông báo theo mốc thời gian cố định, mỗi tốp chỉ từ 15-20 người; khai báo và xét nghiệm ở hai nơi riêng biệt. Chỉ khoảng 20 phút, chị Như (ngụ ở chung cư Linh Trung) cùng gia đình đã hoàn tất các khâu khai báo, lấy mẫu.

“Tôi thấy việc điều tiết xét nghiệm như vậy là rất an toàn, nhanh chóng. Khác hẳn với nỗi lo trước lúc đi, sợ tụ tập đông người, phải chờ đợi lâu” – chị Như nói.

Trong đợt cao điểm chống dịch COVID-19 lần này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết sẽ sắp xếp, tổ chức lại bộ máy điều tra dịch và can thiệp vào quá trình chống dịch tại cộng đồng.

Cụ thể trung tâm y tế các quận, huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Các lực lượng này không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác nhằm đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả; công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.

“Việc phân công này nhằm đảm bảo 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ…”, đại diện HCDC nói.

Điểm mới trong công tác điều tra dịch, theo HCDC, là khi xác định các mốc dịch tễ của F0 sẽ tiến hành lập danh sách F1 gần, F1 xa; F2 của F1 gần sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không cần theo hộ khẩu. Tức người có trong hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính; ngược lại đối với người dù không có hộ khẩu nhưng có sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn hữu thăm viếng vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc…

Đặc biệt những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó có phương án xử lý thích hợp. Điều này chính là điểm mới, tránh trường hợp “cứ có tiếp xúc là bị đưa vào khu cách ly tập trung”.

Cao điểm chống dịch ở TP.HCM: Phải nhanh & quyết liệt! - Ảnh 2.

Nhân viên y tế lấy mẫu cho những trường hợp đã tiếp xúc với F0 tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM 

Tất cả F1 sẽ vào khu cách ly tạm thời

Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cũng chuyển hướng khi áp dụng linh hoạt test nhanh và RT-PCR; mẫu đơn và mẫu gộp; linh hoạt giữa khu vực có ca mắc bị phong tỏa… HCDC cho biết tất cả trường hợp F1 sẽ được chuyển về khu cách ly tạm thời điều tra dịch tễ, làm test nhanh; song song vẫn lấy mẫu để xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ hoặc sớm hơn.

Còn với các F2 hoặc đối tượng thuộc diện xét nghiệm mở rộng sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên, lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2-3 hộ/mẫu để thuận lợi cho truy vết sau này. Nếu kết quả test nhanh dương tính, mẫu gộp này được “giải gộp” bằng mẫu đơn. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo từng nhóm, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất đến cao nhất và được sắp xếp theo từng khung giờ khác nhau.

Cao điểm chống dịch ở TP.HCM: Phải nhanh & quyết liệt! - Ảnh 3.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM chiều 4-7 

Thành lập trung tâm điều phối xét nghiệm

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-7, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – trưởng bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM – cho biết TP.HCM vừa có quyết định thành lập Trung tâm điều hành, điều phối xét nghiệm trên địa bàn do một phó chủ tịch UBND TP làm trưởng ban. Các thành phần tham gia có đầy đủ các ban ngành quan trọng của TP.

Theo thứ trưởng, bộ máy được tổ chức “nâng cao một bậc” sẽ đảm trách chức năng giám sát, điều phối tất cả các đội lấy mẫu; các đội vận chuyển mẫu từ nơi lấy mẫu về phòng xét nghiệm; các phòng xét nghiệm được chỉ định xét nghiệm RT-PCR trên toàn thành phố và các trung tâm thông tin hỗ trợ nhập liệu kết quả. Ngoài ra ở mỗi địa bàn quận, huyện sẽ thành lập tổ triển khai thực hiện các nhiệm vụ chi tiết về số lượng, địa điểm, giờ giấc lấy mẫu; số lần vận chuyển mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm.

“Với việc tổ chức hệ thống xét nghiệm có lớp lang như hiện nay, tôi tin rằng TP.HCM sẽ có những kế hoạch điều phối rõ ràng hơn, các quận huyện cũng chủ động hơn trong việc nắm kết quả, phát lệnh truy vết F0 nhanh hơn” – ông Sơn nói nhưng nhấn mạnh việc tổ chức này phải được thực hiện hết sức quyết liệt, đồng bộ từ lãnh đạo TP.HCM, trung tâm điều phối đến các quận, huyện.

Trước đó, ông Sơn nêu ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 2-7 rằng việc tổ chức xét nghiệm từ khâu lấy mẫu đến xét nghiệm và cho kết quả còn chậm, cần phải khắc phục; công tác truy vết chưa đạt được hiệu quả như mong đợi; việc sử dụng test nhanh vẫn còn rất hạn chế.

Về khả năng lấy 1,4 triệu mẫu/ngày, năng lực xét nghiệm đạt 450.000 mẫu gộp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng đây là con số có thể thực hiện được trong thời gian tới dựa trên số đội lấy mẫu hiện có, sự tăng cường của trung ương và các tỉnh.

Ông nhận định việc TP.HCM thay đổi chiến thuật 100% F0 phải được điều tra trong vòng 1 giờ, F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ… là “ý chí quyết tâm” và lưu ý cần phải được thể hiện, thực hiện nghiêm túc từ vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, nhập liệu, ráp kết quả thông báo đến các điểm cầu của trung tâm điều phối mới đạt được hiệu quả mong muốn.

“Nếu chia cho các phòng xét nghiệm chịu trách nhiệm lo một số quận huyện thì việc kết nối giữa các đơn vị tốc độ sẽ nhanh hơn, đáp ứng được mục tiêu đề ra” – ông nói.

Cao điểm chống dịch ở TP.HCM: Phải nhanh & quyết liệt! - Ảnh 4.

Dữ liệu

Sớm nhất ngày 20-7 dịch sẽ được khống chế

Nhận định về tình hình sắp tới, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết dịch bùng phát và kết thúc ở Bắc Giang khoảng 60 ngày. Và đối với TP.HCM nếu làm quyết liệt có thể sớm nhất đến ngày 20-7 dịch sẽ được khống chế (khoảng 60 ngày).

“Càng làm tốt việc sàng lọc cộng đồng càng “bóc” được F0. Những ngày trước có ngày “bóc” được 80 ca F0 trong cộng đồng nhưng đến sáng 4-7 chỉ có 2 ca. Điều này là tín hiệu cho thấy ca mắc trong cộng đồng đang đi xuống. Song song với sàng lọc F0, TP.HCM cần phải tăng cường kiểm soát F1, đồng thời tổ chức cách ly lưu trú phù hợp thì dịch mới có thể được khống chế” – ông Sơn nói.

Về cách ly F1 tại nhà, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đến thời điểm hiện tại TP.HCM đã lên kế hoạch áp dụng hai hình thức, một là cách ly F1 tại nhà 28 ngày và cách ly theo mô hình 14+14 để giảm tải.

Có 3 vấn đề quan trọng trong quản lý F1 cách ly tại nhà cần phải giải quyết đó là việc ứng dụng, quản lý cách ly bằng công nghệ thông tin; các địa phương phải chủ động thành lập các đội nhóm kiểm tra các điều kiện tại nơi cư trú đảm bảo quy định của Bộ Y tế và theo dõi y tế hằng ngày. Được biết kế hoạch này TP.HCM đã hoàn thành và sẽ được ban hành trong vài ngày tới.

Ông Nguyễn Huy Nga (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):

Nên có chiến lược tiêm vắc xin cho người cao tuổi, có bệnh nền

Dịch ở TP.HCM đã lan rộng trong cộng đồng, thành phố đang cố gắng truy vết nhưng trong tình hình hiện nay, phải rất tích cực mới có thể truy vết được do số lượng ca mắc cộng đồng khá nhiều. Có hai việc tôi cho là nên chú ý: có khu riêng cho người F0 chưa có triệu chứng và có chiến lược tiêm vắc xin sớm cho người cao tuổi, người có bệnh nền. Gánh nặng ở những người này là nếu nhiễm COVID-19 thì bệnh dễ chuyển nặng, nguy cơ tử vong cao.

Về các biện pháp chống dịch tại TP.HCM, qua theo dõi, tôi nhận thấy thành phố đang cố gắng điều chỉnh theo hướng bền vững hơn. Rất khó so sánh về cách chống dịch tại Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh với TP.HCM, bởi đặc điểm TP.HCM là nơi kết nối cao nhất với 63 tỉnh thành, vì thế chống dịch sẽ có những đặc thù do có mối giao lưu đi lại, mua bán hàng hóa, giao thương với các tỉnh thành nhiều, nguy cơ có nguồn bệnh vào/ra cũng lớn hơn.

Thành phố cũng đã tiếp thu, cầu thị để trong thời gian ngắn có những thay đổi, ví dụ như số mắc hiện rất lớn, nhưng thành phố vẫn có cam kết truy vết F0 trong vòng 1 giờ.

Chưa rõ đỉnh dịch

Về đỉnh dịch tại TP.HCM là thời điểm nào, một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng hiện vẫn chưa lường được, bởi muốn đưa ra dự đoán phải có cơ sở, nhưng chủng virus gây bệnh lần này là chủng Delta, lây lan nhanh. Tình hình dịch tại TP.HCM còn phụ thuộc vào các tỉnh thành lân cận và cả nước, do nhiều mối kết nối, giao lưu và bên cạnh đó là các biện pháp chống dịch của thành phố.

“Trước đây có lây nhiễm trong khu cách ly, khu phong tỏa, nay thành phố đã thay đổi theo hướng khu cách ly tập trung chỉ bố trí 2 người/phòng, khu phong tỏa thì chính quyền địa phương vào cuộc để phong tỏa chặt, đúng quy định” – chuyên gia này nhận xét.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chống dịch ở TP.HCMCOVID-19Điều tra y tế f0Xét Nghiệm COVID-19

Các tin liên quan đến bài viết