Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn của Nhà nước và Trung ương Đoàn nói riêng. Tiếp thu chủ trương đó, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã quan tâm phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên. Từ năm 2014 đến nay, các cơ sở đoàn trong toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 21 tổ hợp tác (THT), 3 hợp tác xã (HTX) thanh niên làm kinh tế. Các mô hình chủ yếu đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai và khí hậu tại địa phương.
HỖ TRỢ VỐN, KỸ THUẬT
Tính đến tháng 3-2017, toàn tỉnh có 333 tổ tiết kiệm và vay vốn từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, số tổ viên lên tới 14.271 người và tổng vốn vay 288.151 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng Kế hoạch số 29, ngày 25-5-2016 về việc tổ chức các hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho thanh niên nông thôn; đồng thời ban hành Quyết định số 59, ngày 5-7-2016 về việc thành lập đội hình thanh niên tình nguyện chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Ngoài những hỗ trợ nêu trên, các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều hình thức động viên, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế như tuyên dương, trao thưởng thanh niên sản xuất – kinh doanh giỏi và gặp gỡ điển hình thanh niên nông thôn tiên tiến làm theo lời Bác hằng năm…
Tổ hợp tác nấm của thanh niên ấp Phố Lố, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long – Ảnh: Thanh Nga
TRANG BỊ KIẾN THỨC, KINH NGHIỆM CHO CÁN BỘ ĐOÀN, HỘI
Hằng năm, Tỉnh đoàn phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức từ 2-3 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin cho các mô hình kinh tế tập thể tới đội ngũ cán bộ đoàn, hội các cấp; những kiến thức về thị trường, kinh nghiệm quản lý, điều hành hoạt động; kinh nghiệm tìm kiếm và khai thác các nguồn lực, từ đó trang bị cho cán bộ đoàn và lực lượng đoàn viên thanh niên kỹ năng tham gia liên kết, hợp tác phát triển kinh tế. Mỗi lớp có số lượng thanh niên tham gia từ 25-30 người. Tỉnh đoàn cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh doanh cho thành viên ban quản trị, ban kiểm soát, kế toán và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ trong các HTX/THT của thanh niên. Tổ chức cho cán bộ đoàn, hội chủ chốt các cấp, những thanh niên làm kinh tế giỏi, chủ nhiệm các HTX, THT thanh niên, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình hay, hiệu quả.
Ngoài ra, Tỉnh đoàn quan tâm xây dựng mô hình điểm, điển hình tiên tiến THT/HTX thanh niên như: phát triển các mô hình liên kết, hợp tác trong thanh niên, đẩy mạnh việc thành lập HTX/THT, các tổ tiết kiệm và vay vốn của thanh niên, hoạt động của các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các điểm trình diễn kỹ thuật trong thanh niên… Tổ chức đánh giá, tổng kết kinh nghiệm từ hình thức hoạt động của các mô hình HTX thanh niên, các doanh nghiệp trẻ đang hoạt động hiệu quả. Từ đó hoàn thiện các tiêu chí và quy trình xây dựng mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế để nhân rộng. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội hướng dẫn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 120. Đến nay đã có 6 dự án cho vay với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh, tổng vốn vay 980 triệu đồng.
ĐẨY MẠNH THÀNH LẬP CÁC THT/HTX
Tỉnh đoàn phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tư vấn, thành lập HTX thương mại, dịch vụ phát triển nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp chuyên trồng cam sành và bưởi da xanh tại thị xã Bình Long. HTX này đã ra mắt tháng 2-2017, dự kiến thu nhập năm đầu hoạt động sẽ đạt 250 triệu đồng. Thực hiện chương trình phối hợp giữa Tỉnh đoàn với Liên minh lập HTX sản xuất – thương mại và dịch vụ thanh niên Bình Phước. Đây là HTX điểm của tỉnh chuyên cung cấp nông sản sạch. Hiện HTX đã triển khai cửa hàng chuyên cung cấp nông sản và thực phẩm sạch tại thị xã Đồng Xoài; trong năm 2017 sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng tại 2 thị xã Phước Long và Bình Long.
Trong thời gian qua, với sự trợ giúp của Liên minh HTX tỉnh, tổ chức đoàn thanh niên cũng đã ra mắt 3 THT mới, gồm: THT thanh niên tại Lộc Ninh, chuyên trồng ổi và cung cấp ổi cho thị trường huyện Lộc Ninh, sắp tới sẽ được nhân rộng thêm quy mô và diện tích; THT trồng nấm và THT nuôi chó kiểng tại thị xã Bình Long. Các THT này đều được tư vấn, hướng dẫn thủ tục pháp lý thành lập đúng quy trình về cách thức thành lập HTX/THT của Luật HTX năm 2012.
NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN KHẮC PHỤC
Chị Lường Thị Xuyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban thanh niên nông thôn – công nhân viên chức và đô thị Tỉnh đoàn cho biết: Do đặc thù của địa phương nên việc thành lập và duy trì hiệu quả HTX/THT trong tổ chức đoàn ở Bình Phước gặp nhiều khó khăn. Muốn liên kết làm kinh tế tập thể thì phải có đất sản xuất, trong khi độ tuổi thanh niên phần lớn còn phụ thuộc gia đình. Những người có đất thì vườn rẫy của họ đã ổn định cây trồng nên thường không có nhu cầu liên kết. Cái khó nữa là khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp. Hiện mới chỉ có HTX sản xuất – thương mại và dịch vụ thanh niên Bình Phước làm hồ sơ vay vốn nhưng đã nửa năm vẫn chưa được vay do vướng thủ tục. Số HTX/THT có chủ nhiệm trong độ tuổi thanh niên còn ít; kinh nghiệm trong quản lý điều hành chưa nhiều. Ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến các mô hình HTX/THT chủ nhiệm trong độ tuổi thanh niên. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình hành động chưa thực sự hiệu quả. Việc phối hợp thống nhất trong chọn và đầu tư các mô hình điểm, dạy nghề cho thanh niên chưa phát huy hết hiệu quả, chưa thu hút được sự quan tâm, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cơ quan cấp huyện.
Chị Lường Thị Xuyến cho rằng, để thực hiện hiệu quả chương trình, phải tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, kiểm tra, giám sát; tiếp tục phối hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, mô hình HTX/THT điển hình tiên tiến trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tạo điều kiện, tư vấn xây dựng mô hình câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, các điểm trình diễn kỹ thuật của thanh niên nhằm hướng dẫn cách thức thành lập HTX/THT; trang bị kiến thức quản lý HTX, lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp.
Chủ trương của Tỉnh đoàn là trong năm 2017, mỗi huyện, thị đoàn phải hỗ trợ thành lập mới hoặc duy trì được ít nhất 1 HTX, nhất là ở những xã đang xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đoàn chỉ đạo điểm 3 HTX gồm HTX thanh niên Bình Phước, HTX Minh Hưng (Bù Đăng) và HTX Thanh Lương (Bình Long).
Với độ tuổi thanh niên, việc tổ chức sản xuất độc lập thường gặp những khó khăn như thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. HTX/THT là mô hình kinh tế năng động, phù hợp với thanh niên. Nếu chuẩn bị tốt điều kiện và triển khai đúng các bước sẽ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn là môi trường rất tốt để gắn kết các bạn trẻ với nhau.
Chị LƯỜNG THỊ XUYẾN, Trưởng ban thanh niên nông thôn – công nhân viên chức và đô thị Tỉnh đoàn
Nguồn Báo Bình Phước