Thời gian qua, bằng cách này, cách nọ có nhiều công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp, tác động đến môi trường vào Việt Nam qua các dự án đầu tư.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) phát biểu. (Ảnh: KT)
Đây là vấn đề được đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp) đưa ra khi thảo luận tại Hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sáng 2/6.
Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý được giải trình là về các công nghệ khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao (Điều 10, 11 và Điều 12).
Theo giải trình, một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đề nghị không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam đặc biệt là máy móc, thiết bị cũ; quy định cụ thể và rõ ràng hơn tiêu chí của công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao để có chính sách quản lý phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm soát công nghệ được chuyển giao; tạo điều kiện cho công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ mới được chuyển giao vào Việt Nam. Tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã rà soát, chỉnh sửa các quy định cụ thể về công nghệ khuyến khích chuyển giao; Công nghệ hạn chế chuyển giao và Công nghệ cấm chuyển giao. Dự thảo Luật đã phân định rõ các luồng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trong lãnh thổ Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài. Để linh hoạt và thích hợp với từng thời kỳ phát triển và sản xuất, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể các Danh mục công nghệ này.
Đối với ý kiến cần đặc biệt kiểm soát máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam các công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị cũ, hiệu suất năng lượng thấp. Dự thảo Luật bổ sung quy định cấm việc chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã bổ sung, chỉnh sửa quy định khuyến khích chuyển giao vào Việt Nam công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế – xã hội cũng như văn hóa của Việt Nam; công nghệ sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng hiệu suất cao; công nghệ tạo ra máy móc, trang thiết bị y tế, dược phẩm phục vụ khám, điều trị, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao chất lượng thể trạng người Việt Nam; công nghệ tạo ra sản phẩm sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng…
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) bày tỏ lo ngại có những khe hở trong quá trình thực hiện và sẽ không khắc phục được tình trạng nguy cơ biến nước ta thành nơi chứa các sản phẩm công nghệ, thiết bị lạc hậu nhiều khi tới 2 – 3 thế hệ như thời gian qua. Về hạn chế công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam, đại biểu đề nghị bổ sung điều kiện để đảm bảo chặt chẽ hơn với trường hợp: Công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia phát triển; Tạo ra sản phẩm có sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại.
Trong khi đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đồng tình với việc dự luật quy định danh mục về công nghệ được chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao… song bày tỏ vẫn “chưa thực sự tin tưởng những quy định này sẽ đủ sức ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào nước ta”. Theo đại biểu “thực tế có những doanh nghiệp bị gài mua những công nghệ lạc hậu, lỗi thời, thiếu đồng bộ hoặc có doanh nghiệp biết nhưng vẫn cố tình mua”.
Để khắc phục được tình trạng này, theo đại biểu Châu Quỳnh Giao, phải nhận thấy sự cần thiết phát triển các tổ chức, cơ quan trung gian trong việc thẩm định, kiểm tra công nghệ trước khi cho nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, phải chủ động nghiên cứu để nắm bắt thực tế bởi có những trường hợp doanh nghiệp mua công nghệ với giá trẻ nhưng giá trên giấy tờ lại rất cao để trục lợi ngân sách nhà nước hay các đối tác nước ngoài có tâm lý muốn chuyển giao công nghệ lạc hậu sang Việt Nam để tránh gây ô nhiễm nước mình. Vị đại biểu Châu Quỳnh Giao đề nghị “Chúng ta phải rà trước những vấn đề này để có những giải pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn những công nghệ lạc hậu”.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp) đề nghị, luật cần khẳng định quan điểm cấm chuyển giao công nghệ lạc hậu vào Việt Nam để ngăn ngừa Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ trong tương lai. Đồng thời, cần tránh tình trạng không đồng bộ, tạo kẽ hở của pháp luật. “Chúng ta thấy thời gian qua, bằng cách này cách nọ có nhiều công nghệ lạc hậu, công nghệ có hiệu suất thấp, tác động đến môi trường nhập vào Việt Nam qua các dự án đầu tư”- đại biểu thắng thắn phát biểu.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Trần Văn Cường lập luận, trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 tác động mạnh mẽ đến nước ta, nếu không có chính sách, biện pháp phù hợp thì tương lai không xa Việt Nam sẽ càng tụt hậu. “Chúng ta không để việc đã rồi mới giải quyết hậu quả khi Việt Nam sử dụng đa số công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả, tác động xấu đến môi trường” – đại biểu Trần Văn Cường nhấn mạnh.
Với những lí do trên, đại biểu Trần Văn Cường đề nghị, cấm chuyển giao vào Việt Nam và chuyển giao trong nước với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia phát triển./.
Nguồn dangcongsan.vn