Các quốc gia châu Âu đang nới lỏng các biện pháp hạn chế để chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm hè năm nay nhưng nỗi lo đang tăng lên, đặc biệt về biến thể Delta lây lan nhanh.
Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo châu Âu vẫn đang di chuyển “trên lớp băng mỏng” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. “Chúng ta vẫn cần cảnh giác. Các biến thể mới xuất hiện, đặc biệt biến thể Delta, là thứ cảnh báo chúng ta phải tiếp tục thận trọng” – bà Merkel kêu gọi.
Chúng ta đang trong quá trình đè bẹp đại dịch và chúng ta không được để biến thể Delta giành thế thượng phong dẫn tới một làn sóng dịch nữa.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran
Du khách tăng cao
“Hãy sắp xếp hành lý. Châu Âu đang mở cửa trở lại phục vụ du lịch và lần này là thật” – trang Schengenvisainfo.com chạy dòng tít.
Từ ngày 1-7, tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ chấp nhận những du khách từ các nước trong khối có “chứng chỉ COVID-19 kỹ thuật số EU”, theo Hãng tin Bloomberg. Đây là loại giấy thông hành được cấp miễn phí ở dạng số hoặc giấy, chứng nhận người đã được tiêm vắc xin COVID-19, đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.
Mùa hè năm ngoái, hầu hết bãi biển ở châu Âu đóng cửa giống như nhiều nơi trên thế giới do dịch COVID-19. Tình trạng vắng du khách đã ảnh hưởng tới nền kinh tế của mọi quốc gia thành viên EU, khiến hàng trăm ngàn người không có việc làm, các nhà hàng và khách sạn đóng cửa, còn các hãng hàng không ghi nhận sự sụt giảm số chuyến bay quốc tế cao nhất chưa từng có.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại lục địa già cho thấy bức tranh ngược lại trong mùa hè năm nay. Từ Tây Ban Nha ở Nam Âu cho tới Ý ở Địa Trung Hải, Latvia ở Bắc Âu cùng nhiều quốc gia EU khác… đang lần lượt dỡ bỏ các biện pháp hạn chế ở biên giới cho công dân của nhau và công dân các nước ngoài EU đã được tiêm vắc xin COVID-19.
Thụy Sĩ, vốn không phải thành viên EU, cũng bắt đầu nới lỏng đi lại từ các nước châu Âu trong khu vực đi lại tự do Schengen, Mỹ, Albania… Ông Martin Nydegger, giám đốc điều hành Tổ chức Switzerland Tourism, cho biết Thụy Sĩ hy vọng sẽ đón nhiều du khách từ Mỹ và các nước vùng Vịnh. “(Du khách từ) những thị trường xa xôi ở Đông Á sẽ đến sau đó” – ông kỳ vọng.
Các hãng hàng không như American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines đều đã nhanh chóng thêm các chuyến bay mới xuyên Đại Tây Dương để tới châu Âu. Còn Hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland đã ghi nhận “lượng đặt vé máy bay cao” tới Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ý trong 8 tuần qua.
Nơi khắt khe, nơi nới lỏng
Tuy nhiên, bên cạnh cách tiếp cận chung của EU về việc mở lại biên giới cho du khách, các nước thành viên cũng có cách tiếp cận của riêng họ mà tiêu biểu là áp dụng các biện pháp chống dịch khác nhau tại biên giới. Chính điều này đã dẫn tới nhiều thách thức cho khối.
Chẳng hạn Đức và Pháp yêu cầu du khách đến từ Anh trải qua cách ly do lo sợ biến thể Delta, trong khi Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha – vốn phụ thuộc vào du khách Anh – không làm như vậy.
Hay tại hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo EU khoảng một tuần trước cột mốc 1-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích Hy Lạp cùng một số quốc gia khác về việc tự do chấp nhận những du khách đã được tiêm các loại vắc xin COVID-19 chưa được EU phê duyệt.
Hiện nay, Pháp chỉ chấp nhận du khách đã được tiêm vắc xin Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson. Trong khi đó, Hy Lạp và Cyprus đã bỏ yêu cầu cách ly với những du khách ngoài EU đã được tiêm vắc xin Sputnik V (Nga) và vắc xin của Hãng Sinopharm (Trung Quốc) – cả hai loại này chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt.
Ngoài ra, con đường quay trở lại tình trạng bình thường ở nhiều nước châu Âu đang bị biến thể Delta cản trở. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã gióng hồi chuông báo động cách đây vài ngày. Họ cảnh báo biến thể Delta có khả năng sẽ chiếm 90% số ca nhiễm trong khối EU trước cuối tháng 8 khi có thêm nhiều quốc gia EU nới lỏng biện pháp chống dịch.
“Cách đây 4 tuần, hơn 90% số phòng của chúng tôi đã được khách đặt, nhưng giờ chỉ hơn 30%. Tôi không hiểu làm thế nào mà Bồ Đào Nha đột ngột không còn an toàn nữa” – Hãng tin Bloomberg ngày 26-6 dẫn lời ông Hugo Goncalves, quản lý khách sạn ở Algarve (Bồ Đào Nha).
Bồ Đào Nha đã áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng do biến thể Delta, gồm khu vực thủ đô Lisbon. Họ cắt giảm thời gian mở cửa của các nhà hàng và cửa hàng cũng như số người tối đa được phép vào những nơi này. Trong khi đó, Đức sẽ cấm hầu hết người từ Bồ Đào Nha nhập cảnh do sự lây lan của biến thể Delta.
Tăng tốc tiêm chủng
Các lãnh đạo EU nhất trí cần tăng tốc tiêm chủng để đối phó biến thể Delta. Dữ liệu của ECDC cho thấy hiện nay khoảng 30% người trên 80 tuổi và khoảng 40% người trên 60 tuổi trong khối EU vẫn chưa được tiêm vắc xin đủ liều. EU hiện có 27 quốc gia thành viên với hơn 445 triệu dân.
nguồn: tuoitre.vn