Trong cuộc sống, ai cũng cần ít nhất một điểm tựa, đó có thể là niềm tin, sự kỳ vọng, mục đích, tình yêu… nhưng điểm tựa vững chắc nhất không gì khác ngoài gia đình. Dù dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến các hoạt động, thói quen sinh hoạt của hàng triệu gia đình, song ở một góc nhìn khác, dịch Covid-19 cũng là khoảng thời gian để mỗi người “sống chậm” và yêu thương nhiều hơn gia đình mình.

Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn

Gia đình anh Đinh Văn Luyện và chị Đinh Thị Kim Huệ ở phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài. Anh Luyện công tác trong ngành điện lực, còn chị Huệ là giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Du. Trước khi dịch xảy ra, anh chị rất bận rộn với công việc, đặc biệt là với chị Huệ. Thế nhưng, khi đợt dịch lần thứ 4 diễn ra với nhiều hoạt động bị tạm ngưng theo chỉ đạo của tỉnh, công việc của anh chị vì thế cũng giảm bớt. Anh chị tự xem đây là khoảng thời gian quý giá để vun vén, hâm nóng tình cảm gia đình. Khi anh vào bếp, tự tay chuẩn bị những món ăn ngon thì chị dành thời gian chơi với con trai, thay vì phải gửi ông bà nội chăm sóc như trước. Căn nhà nhỏ vì vậy mà ấm áp, sôi động hơn bởi tiếng nói cười của con trẻ.

Có những khoảng thời gian thư thả trong đợt dịch, chị Trần Thị Oanh dạy con tập vẽ, đánh đàn và các công việc nữ công gia chánh

Còn với các gia đình liên thế hệ, đây chính là khoảng thời gian để họ gác lại sự bận rộn hằng ngày, dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Khoảng thời gian nghỉ ngơi trong đợt dịch cũng giúp các thành viên hiểu thêm những thói quen, lối suy nghĩ của nhau và đưa ra những cách sống phù hợp hơn.

Thấy công việc kinh doanh của con gặp khó vì dịch, ông Bùi Tăng Hiền và bà Phạm Thị Nga, ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú đề nghị con trai tạm thời ở nhà và dành nhiều thời gian cho gia đình. 3 thế hệ dù khoảng cách tuổi tác khác nhau nhưng cũng từ đợt dịch này mà sự “phân chia” lao động trong nhà được bố trí cụ thể và hợp lý hơn. Ông nội chơi cùng cháu, ba dạy con học, trong khi đó, bà nội và mẹ chịu trách nhiệm lên “thực đơn” để mang đến những bữa cơm ngon miệng, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho các thành viên gia đình.

Bà Phạm Thị Nga chia sẻ: Hằng ngày tôi đi chợ lựa mua thực phẩm tươi ngon nhất để nấu những món ăn ngon cho gia đình. Món ăn nhìn chung vẫn đơn giản như mọi khi nhưng tăng cường rau xanh, trái cây để bổ sung thêm vitamin, nâng cao sức đề kháng cho các thành viên. “Dịch Covid-19 có những khó khăn là vậy, nhưng ở một góc độ nào đó, đây cũng là dịp để các thế hệ trong gia đình hiểu nhau hơn. Từ đó có sự dung hòa, cách giải quyết hợp lý để gia đình luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc” – bà Nga vui vẻ cho biết thêm.

“Mỗi tế bào” cùng cả nước chống dịch

Đợt dịch lần thứ 4 diễn ra trong thời gian dài và dự báo còn diễn biến phức tạp. Do đó, việc chăm sóc, xây dựng sân chơi an toàn cho con em trong thời điểm này được nhiều gia đình đặt lên hàng đầu. Bởi thông thường, hè là dịp để các em được tham gia các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống, bồi dưỡng năng khiếu, vui chơi, giải trí… Bố trí những sân chơi tại nhà như vậy, cha mẹ không chỉ có thời gian ở bên con, mà đó cũng là cách để họ có sự  thăng bằng trong cuộc sống.

Gia đình chị Trần Thị Oanh ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài có 2 con gái học lớp 5 và lớp 9. Là giáo viên THCS nên trong thời điểm này, chị cũng có thời gian tương đối rảnh rỗi. Để ngày hè không nhàm chán, chị mua thêm rất nhiều dụng cụ cần thiết để đáp ứng nhu cầu “vừa học vừa chơi” của con. Những bức tranh vẽ khắc họa tinh thần chống dịch của các y, bác sĩ; những bài hát ca ngợi, nhắc nhở mọi người tuân thủ theo khuyến cáo của ngành y tế luôn được mẹ con chị thể hiện sinh động mỗi ngày. Đó cũng là cách để gia đình chị dạy con “tiếp lửa” gửi gắm, chia sẻ yêu thương đến các lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ chống dịch. Chị Oanh cho biết: Khi các hoạt động bên ngoài bị tạm ngưng thì việc tổ chức các hoạt động tại nhà cho con như vậy rất cần thiết. Điều này giúp các con cảm thấy thoải mái hơn, ý nghĩa hơn khi ở nhà. Hơn nữa, những lúc như vậy, cha mẹ cũng có cơ hội hiểu và gắn bó với con nhiều hơn.

Trước khi dịch xảy ra, gia đình tôi rất bận rộn, những bữa cơm tối vì thế mà cũng vội vàng và qua loa đại khái. Thế nhưng với đợt dịch lần này, công việc bị tạm ngưng, Nhờ “sống chậm” hơn, chúng tôi có thời gian chơi đùa, dạy dỗ con cái, hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn.
Chị Đinh Thị Kim Huệ đánh giá dưới góc nhìn tích cực 

Có người ví cuộc sống giống như 5 quả bóng, gồm: công việc, gia đình, sức khỏe, bè bạn và tinh thần. Công việc được xem như quả bóng cao su, có rơi xuống nó vẫn tự bật lên. Những quả bóng còn lại, như gia đình, cần được nâng niu hơn vì chúng bằng thủy tinh, chỉ cần lỡ tay là có thể bị trầy xước, tì vết, sứt mẻ, thậm chí có thể không thể nào hàn gắn lại được như lúc ban đầu. Chính vì mái ấm gia đình là quả bóng thủy tinh nên càng phải gìn giữ hơn bao giờ hết. Bởi mỗi gia đình hạnh phúc đầm ấm sẽ tạo nên một xã hội hạnh phúc và bình yên.

Kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28-6) năm nay, nước ta vẫn đang đối mặt với dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều gia đình. Nhiều người chồng, người vợ, người con đã gác lại tình cảm riêng tư, sẵn sàng đi vào tâm dịch, quyết tâm cùng cộng đồng chiến thắng dịch Covid-19. Chính vì vậy, trong thời điểm này, được ở nhà với đầy đủ thành viên, cùng nhau vun đắp tình cảm dưới một mái nhà, để lại sau lưng bao nỗi lo toan, vất vả thì đó đã là điều may mắn và hạnh phúc.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : ngày gia đìnhngày gia đình Việt Nam

Các tin liên quan đến bài viết