Dù chưa tổ chức thi vào lớp 10 năm 2021 nhưng đề thi Ngữ văn của TP.HCM những năm gần đây được đánh giá đã có những đổi mới ấn tượng.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trò chuyện với VietNamNet về hiệu quả của việc đổi mới đề thi Ngữ văn đến cách dạy và học trong trường phổ thông.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM |
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của TP.HCM những năm gần đây được đánh giá cao. Từ góc độ chuyên môn, ông nhìn nhận thế nào?
Quả thật đề thi của Sở GD- ĐT TP.HCM trong khoảng 5 – 6 năm gần đây đã nhận được sự đánh giá rất tích cực, từ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 đến đề thi chọn học sinh giỏi thành phố.
Gắn đề thi với thực tiễn là điều mà nhiều nơi, nhiều giáo viên đã làm được, nhưng hiệu quả cao thấp khác nhau. So sánh với những hiện tượng gượng ép, thậm chí phản cảm (đưa vào đề thi các nhân vật giang hồ mạng xã hội, những chuyện không có ý nghĩa giáo dục) hoặc gây tranh cãi về chuyên môn (đưa lời bài hát vào phần kiểm tra kĩ năng đọc hiểu) thì đề thi của TP.HCM đã thực hiện rất tốt yêu cầu trên.
Chắt lọc được những nội dung thực tế hợp lý, uyển chuyển gắn kết với thực tế đời sống, phù hợp với tâm thế tiếp nhận của học sinh, vấn đề đặt ra khơi gợi được suy nghĩ và cả cảm xúc cho các em – đó là những điều mà đề thi của Sở GD-ĐT TP.HCM đã làm được.
Học sinh trước giờ thi môn Ngữ văn vào lớp 10 ở TP.HCM năm 2020. |
Do đề thi học sinh giỏi quốc gia vẫn chưa có sự thay đổi về cấu trúc nên đề thi chọn học sinh giỏi thành phố vẫn theo đó tiến hành.
Nhưng với đề thi vào lớp 10, thực sự Sở GD- ĐT TP.HCM đã có những đổi mới ấn tượng. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Sở GD- ĐT TP.HCM đều thay đổi cấu trúc đề thi. Số lượng văn bản ngữ liệu trong phần đọc hiểu thay đổi tùy theo mục đích của đề thi, vấn đề đặt ra trong phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học gợi mở nhiều lựa chọn và luôn hướng đến yêu cầu liên hệ so sánh để khắc sâu thêm hiểu biết. Đặc biệt, trong năm 2020, ngữ liệu đọc hiểu kết hợp với vấn đề trong phần nghị luận xã hội, yêu cầu trong phần nghị luận văn học hình thành một trục chủ đề xuyên suốt, phù hợp với định hướng dạy học theo chủ đề đang được khuyến khích hiện nay.
Sự đổi mới này theo ông có tác động thế nào đến cách dạy, cách học?
Dù quan niệm “Học để thi/ Học gì thi nấy” được dư luận gán ghép tiêu cực như là triết lí giáo dục của Việt Nam, chúng ta vẫn không thể phủ nhận việc đổi mới kiểm tra đánh giá, nhất là những thay đổi trong đề thi các lớp cuối cấp, đã tác động sâu sắc đến cách dạy và học của giáo viên, học sinh.
Đối với giáo viên, việc thay đổi đề thi bắt buộc họ phải chú ý đến việc gắn nội dung bài học với thực tiễn đời sống. Ngoài cung cấp kiến thức của bài học phải có câu hỏi/ bài tập theo hướng vận dụng tăng cơ hội cho học sinh rèn kĩ năng giải quyết vấn đề. Hơn thế, giáo viên cần đẩy mạnh việc dạy học theo chủ đề, xây dựng hệ thống đề tham khảo mô phỏng chính xác cấu trúc đề thi tuyển sinh, tốt nghiệp THPT… để có thể ôn luyện cho học sinh.
Đối với học sinh, các em phải chú ý đến phương pháp học và kĩ thuật làm bài. Việc ghi nhớ máy móc kiến thức dần được thay thế bởi khả năng hiểu để từ đó thực hành, vận dụng kiến thức trong những tình huống cụ thể. Vấn đề kiểm tra đánh giá đang chuyển nhanh theo xu hướng sử dụng trắc nghiệm khách quan để cho kết quả nhanh, khá chính xác và dễ dàng triển khai trên diện rộng. Do vậy bên cạnh việc củng cố kĩ năng làm bài tự luận, ngay từ cấp THCS học sinh cần được thực tập và làm quen dần với hình thức kiểm tra đánh giá này để tránh bỡ ngỡ trước những thay đổi có thể xuất hiện trong quá trình kiểm tra đánh giá.
Sự đổi mới đề thi Ngữ văn đã diễn ra thậm chí trước khi có chương trình Ngữ văn theo định hướng Phát triển năng lực được công bố vào năm 2018. Theo ông, vì sao Sở GD-ĐT TP.HCM có thể ‘đi trước, đón đầu’ như vậy?
Thứ nhất, chúng ta thường hay khen địa phương triển khai sáng tạo mà quên mất vai trò định hướng đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Không có cơ sở từ Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH (về hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng ban hành ngày 8/10/2014), Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khó có thể đi trước, đón đầu.
Sự ra đời của Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH (ban hành kèm thông tư về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT ngày 27/8/2020) càng khẳng định hướng đi mà TP.HCM đã thực hiện. Những công văn này không chỉ tạo “bước đệm” để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong dạy học ở nước ta chứ không riêng TP.HCM.
Thứ hai, bên cạnh việc trân trọng tinh thần đổi mới mạnh mẽ, những ý tưởng táo bạo và sự quyết đoán trong triển khai, cần nhắc đến áp lực tuyển sinh rất căng thẳng, trình độ học sinh ngày một cao, năng động, sáng tạo hơn đã tạo một động lực mạnh mẽ buộc người ra đề nói riêng và Sở GD-ĐT TP.HCM phải không ngừng đổi mới.
Năm 2020, đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn ở TP.HCM được đánh giá ‘lạ nhất từ trước đến nay’. |
Theo ông, sự kết nối giữa giới nghiên cứu và thực tiễn giáo dục có ý nghĩa đối với việc đổi mới dạy, học Ngữ văn như thế nào?
Đây là mối quan hệ hai chiều tác động lẫn nhau, thúc đẩy sự phát triển, đổi mới giáo dục.
Tiếc thay, hiện nay đang tồn tại xu hướng phủ nhận vai trò của nhau giữa hai đối tượng này. Giáo viên phổ thông quan niệm nhà khoa học giáo dục thường xa rời thực tế, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn dạy và học.
Giới nghiên cứu lại chê trách giáo viên phổ thông bám vào kinh nghiệm chủ nghĩa, không chịu đổi mới để bắt nhịp với những chuyển biến mạnh mẽ của giáo dục quốc tế. Giải quyết được mâu thuẫn này, chúng tôi tin sẽ phát huy được thế mạnh của sự gắn kết giữa nghiên cứu và thực tiễn trong đổi mới giáo dục.
Phê phán sâu sắc cách ra đề Ngữ văn ‘an toàn’ Về cấu trúc đề thi: Nhiều tỉnh, thành phố chọn cách bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT để xây dựng đề thi tuyển sinh lớp 10. Đây là một con đường khá an toàn nhưng cách ra đề này nhiều khả năng xóa đi đặc trưng mang tính địa phương, chối bỏ cơ hội được tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh lớp 10 mà Bộ GD-ĐT đã cho phép các tỉnh, thành. Về ngữ liệu đọc hiểu trong đề thi: Một số ít tỉnh, thành phố lựa chọn giải pháp an toàn khi vẫn sử dụng ngữ liệu đọc hiểu trong sách giáo khoa. Tôi phê phán sâu sắc cách làm này. Điều này khiến đề thi không đáp ứng được định hướng đánh giá năng lực đã và đang được khuyến khích hơn 5 năm nay. Tuy người ra đề thoát được áp lực dư luận, dễ dàng bảo vệ được bản thân nhưng đã giới hạn nội dung kiến thức, góp phần đẩy mạnh việc dạy tủ – học tủ và dạy thêm – học thêm. Đa số đã thực hiện đúng chủ trương của Bộ GD-ĐT khi lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu ngoài sách giáo khoa. Ngữ liệu đọc hiểu trong đề thi của một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa còn có khả năng kết hợp với câu nghị luận xã hội, nghị luận văn học để hình thành một trục chủ đề chặt chẽ, gửi gắm những thông điệp tích cực về nhân sinh. Vấn đề đặt ra là tư duy đổi mới, sự sáng tạo của người ra đề cần đi kèm với sự nhạy bén về chuyên môn, khả năng cảm thụ thẩm mĩ tốt cũng như hiểu biết sâu sắc về tâm lí lứa tuổi của học sinh để có thể tạo được cơ hội cho các em tiếp xúc với những tác phẩm hay, thực sự giá trị. |
Nguồn: vietnamnet