Được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc, loại khẩu trang y tế nhiều màu sắc đang được rao bán tràn lan trên mạng với giá từ 1.500 đồng/chiếc.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường mua bán khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, kit test nhanh Covid-19… càng trở nên nhộn nhịp. Đặc biệt, quảng cáo rao bán khẩu trang y tế nhiều màu sắc xuất hiện ồ ạt trên các trang mạng.
Theo khảo sát của Zing, loại khẩu trang y tế này đang được rao bán trên các trang mạng xã hội và trang thương mại điện tử với mức giá từ 25.000-30.000 đồng/gói (10 chiếc).
Một tài khoản tên Tình rao bán khẩu trang giá 3.000 đồng/chiếc, có 5 màu. Mua sỉ từ 500 chiếc, giá giảm xuống còn 2.000 đồng/chiếc. Theo người này, khẩu trang y tế này chủ yếu nhập về từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Người này thường gom hàng vài nghìn chiếc mới chuyển về.
Khẩu trang “nội địa Trung Quốc”
Bao bì của sản phẩm hoàn toàn không thấy các tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Tất cả đều in chữ Trung Quốc. Chủ buôn cho biết đây là “khẩu trang nội địa”, chuyên bán cho người Trung Quốc nên bao bì toàn tiếng Trung.
Tương tự, chị Diệp – một người chuyên bán khẩu trang trên chợ mạng – cũng khẳng định đây là khẩu trang nội địa Trung Quốc. Khách mua phải đặt trước khoảng 3-4 tuần, hàng mới về đến Hà Nội.
Loại khẩu trang y tế đang được rao bán trên các trang mạng xã hội và trang thương mại điện tử với mức giá từ 25.000-30.000 đồng/gói (10 chiếc). . |
“Khẩu trang y tế trơn đen, trắng ngày càng nhàm chán nên nhiều khách hàng tỏ ra hứng thú với loại khẩu trang nhiều màu sắc này”, chị Diệp nói. Người bán này mô tả loại khẩu trang “Trung Quốc nội địa” có thể chống dịch như khẩu trang y tế thường.
Một tháng nay chị nhập về khoảng 2 thùng và bán hết sạch hàng. Theo chị, khách hàng mua chủ yếu là các bạn trẻ, yêu thích thời trang. Tại cửa hàng chị Diệp, nếu mua từ 30-50 chiếc, giá bán là 3.000 đồng/chiếc. Nếu khách mua mua từ 51-200 chiếc, giá giảm xuống còn 2.000 đồng/chiếc.
Khẩu trang có đủ 6 màu ombre cầu vồng, khách hàng thoải mái lựa chọn theo sở thích. Không chỉ ở các trang mạng xã hội, loại khẩu trang y tế không rõ chất lượng này cũng đang rao bán trên các trang thương mại điện tử.
Một gian hàng trên sàn thương mại điện tử bán 2 gói khẩu trang y tế màu cầu vồng giá 75.000 đồng (10 chiếc/gói). Mua 50 gói giá chỉ còn 750.000 đồng, tính ra chỉ khoảng 1.500 đồng/chiếc. “Nếu mua số lượng lớn giá còn rẻ hơn nhiều nữa”, người bán cho biết.
Ngăn hàng y tế kém chất lượng
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2021 và 5 tháng đầu năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) – cho biết gian lận thương mại các mặt hàng y tế ngày càng tinh vi, đa dạng. “Đặc biệt, ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư vào cuối tháng 5 mới đây”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Linh cho biết gần đây trên thị trường xuất hiện loại khẩu trang được quảng cáo là có khả năng chống virus corona tới 99%. Ông Linh cho rằng người dân khi mua khẩu trang y tế cần phải xem nguồn gốc xuất xứ và có được cấp phép đạt tiêu chuẩn hay không.
“Hiện nay, gian lận thương mại điện tử chủ yếu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Phía Tổng cục QLTT vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để có phương án điều tra xác minh xử lý các mặt hàng này”, ông nhấn mạnh.
Khẩu trang y tế nội địa Trung có màu sắc bắt mắt. . |
Trước đó ngày 26/3, trang CBC News của Canada đăng tải thông tin về việc Bộ Y tế nước này cảnh báo về khả năng “nhiễm độc phổi sớm” từ loại khẩu trang SNN200642 dùng một lần phòng chống Covid-19, được sản xuất tại Trung Quốc.
Khẩu trang SNN200642 được sản xuất tại Trung Quốc và được bán, phân phối bởi Công ty Métallifer có trụ sở tại Quebec (Canada). Trong quá trình kiểm định chất lượng, Bộ Y tế Canada phát hiện ra rằng khẩu trang dùng một lần màu xanh, xuất xứ từ Trung Quốc có chứa các hạt graphene cực nhỏ.
“Graphene là một vật liệu bền, rất mỏng được sử dụng trong chế tạo, nhưng nó có thể gây hại cho phổi khi hít phải và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài”, Bộ Y tế Canada cảnh báo.
Nguồn: vietnamnet